Hơn bao giờ hết, trước những biểu hiện đáng lên án ấy, toàn ngành y cần đề cao việc nâng cao y đức cho đội ngũ cán bộ y tế. Nâng cao y đức, trước hết là nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ chẩn đoán, nghiên cứu chuyên sâu, làm chủ trang thiết bị y tế để tìm ra căn nguyên bệnh tật để có giải pháp chăm sóc, điều trị tốt nhất cho người bệnh. Bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, cần đề cao việc rèn luyện tinh thần trách nhiệm, thái độ, phong cách phục vụ tận tụy, đề cao lương tâm của người thầy thuốc, hành động vì tình người.

Đã vào ngành y, hành trang đầu tiên là phải xem nghề thầy thuốc như một con đường cứu người, giúp đời. Là thầy thuốc phải thương yêu bệnh nhân. Cuộc sống của người dân đang khó khăn, khi lâm bệnh phải bước vào cánh cổng bệnh viện, họ chịu biết bao áp lực. Âu lo về bệnh tật, lo lắng không đủ tiền để chữa bệnh. Trong hoàn cảnh ấy nếu bắt gặp một thái độ thờ ơ, vô cảm của người thầy thuốc; người bệnh càng thêm đớn đau.

Chúng ta tự hào khi có một thế hệ người thầy thuốc đi trước như Tôn Thất Tùng, Đỗ Tất Lợi, Đặng Văn Chung... sau này là Tôn Thất Bách, Lê Thế Trung... đã cống hiến trọn đời cho nghiệp y học và y tế của nước nhà. Đó là những thầy thuốc vừa có tài vừa có đức, tên tuổi của họ đã lắng sâu trong lòng nhân dân. Họ là những tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, lòng tận tụy, sự yêu thương, chăm sóc người bệnh đúng như lời Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu”.

Ngày nay, chúng ta cũng vui mừng, tự hào khi trong đội ngũ những người làm công tác y tế vẫn còn nhiều bác sĩ, y tá, điều dưỡng hằng ngày, hằng giờ cần mẫn với công việc. Trong các đợt đối diện với dịch cúm AH5N1, dịch SARS, nhiều y, bác sĩ, cán bộ y tế thức trắng nhiều đêm bên giường bệnh. Tại các bệnh viện và cả hệ thống mạng lưới y tế đã khẩn trương vào cuộc với một chiến dịch phòng, dập dịch, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Thừa Thiên Huế là trung tâm y tế chuyên sâu, có Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y dược, các bệnh viện đa khoa tỉnh và các trung tâm y tế huyện, thị. Đáng mừng là ở các bệnh viện có nhiều y, bác sĩ có tài, có đức. Trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân đã để lại niềm tin yêu, trân trọng. Tại các chuyên khoa, nhiều bác sĩ luôn làm chủ tri thức, có chuyên môn sâu, trở thành thương hiệu đối với bệnh nhân và người thân của bệnh nhân.

Tất nhiên, trước tác động tiêu cực của xã hội, đây đó vẫn còn một số cán bộ y tế có biểu hiện tiêu cực, thờ ơ, lạnh nhạt với bệnh nhân. Cho nên, việc thường xuyên trau dồi y đức là điều hết sức cần thiết nhằm xây dựng một đội ngũ thầy thuốc chân chính, vừa có đức, vừa có tài, xứng đáng là học trò của y tổ Hypocrate và Hải Thượng Lãn Ông.

Chiến Hữu - Văn Thanh