Chuyện rằng 200 năm trước vua Tàu tặng cho Hoàng đế Minh Mạng lá cây ngô đồng để làm mẫu, tìm xem trong cương thổ nước ta có giống quý này không. Theo lệnh triều đình, bao người đã lặn lội vào rừng sâu tìm kiếm. Kết quả là loại cây quyến rũ tao nhân mặc khách này đã có ở Huế mình, bên trong Đại Nội. Nó quý và được trân trọng đến mức được khắc vào cửu đỉnh như một báu vật của Huế. Hay như 100 năm sau đó, Huế nhận quà tặng của nhà sư Tích Lan Narada là một cây bồ đề và đã đem trồng giữa sân chùa Từ Đàm. Cây này thuộc dòng họ của cây bồ đề vườn Lâm Tỳ Ni một trong 4 nơi hành hương nổi tiếng của Ấn Độ, gắn liền với đời sống của đức Phật. Kỹ sư Nguyễn Hữu Đính sau một chuyến đi châu Phi đã đưa về Huế cây bao báp và nó được trồng trên đường Mai Thúc Loan. Có người bảo với tôi rằng, cây bao báp ấy giúp bao thế hệ đọc văn ở Huế thấy gần gũi hơn với hình ảnh lục địa đen hiện lên trong những trang tiểu thuyết “Hoàng tử bé” của nhà văn Pháp Saint Exupéry. Mới đây, nhà giáo ưu tú Thân Trọng Ninh đã có bài giới thiệu về cây bao báp này với lời đề nghị tâm huyết nên công nhận đây là “cây di sản quốc gia”. Tôi loanh quanh như thế là muốn nói với bạn đọc một sự hiếm hoi đến đặc biệt về sự quan tâm của người Huế mình dành cho cây xanh. Ít có nơi có sự tường tận và tình cảm đến vậy đối với từng cá thể cây xanh như ở Huế. Ba mươi năm đã chuẩn bị đi qua, giờ thì tôi mới như thấu hiểu sự thật lòng của nhà văn Nguyễn Tuân đã không cầm nước mắt khi sinh thời ở Hà Nội ông hay tin cơn bão dữ 1985 đã tàn sát của Huế 3.000 cây cổ thụ.
Hôm Huế vần vụ và nửa đêm gió thổi mạnh bởi cơn bão Nari khiến cho hàng cây bằng lăng phía trước nhà xao xác, tôi bỗng nhớ đến một người bạn là anh Phan Đình Ngôn. Còn nhớ khi Ngôn được chọn làm Giám đốc Trung tâm Công viên Cây xanh Huế, tôi và một đồng nghiệp là Diên Thống đều có chung một nhận xét, cây xanh Huế đã chọn “đúng người”. Mà đúng vậy, gặp nhau lần nào đề tài của chúng tôi vẫn cứ loanh quanh về “cây xanh Huế mình”. Phải nói rằng, ở trong con người của gã đàn ông có “dáng người hộ pháp” này là sự ắp đầy những suy nghĩ và tình cảm dành riêng cho cây xanh xứ Huế. Có được một loại cây trồng mới là anh Ngôn gọi điện ngay để anh em ghé thăm, ngắm cây và rồi tuyên truyền cho cây. Nhớ cách nay cũng đã khá lâu, Ngôn mời cả tôi và Diên Thống ra tận Nghệ An để chứng kiến cây xanh Huế cùng tham gia tôn tạo và làm đẹp quảng trường Hồ Chí Minh ở thành phố Vinh. Lần đó anh vui lắm khi cây xanh Huế vinh dự được “xuất ngoại”. Còn tôi được biết, đã có nhiều cây xanh mới, nhiều quy hoạch mới về cây xanh công viên hay đường phố không chỉ ở Huế mà còn tại nhiều nơi khác nữa đã hình thành từ ý tưởng và sự trăn trở của Phan Đình Ngôn. Có thể có những sai lầm vấp váp trong công việc nhưng sẽ thiếu sót nếu nói về cây xanh xứ Huế đương đại lại quên mất cái tên Ngôn đầy tâm huyết và trăn trở.
Cây xanh với Huế không chỉ để mang lại cho Cố đô bóng mát mà thực sự đã là một di sản, một nét văn hóa đẹp trong cuộc sống của con người trên đất Thần kinh. Có kẻ đi xa có dịp về thăm quê đã thốt lên, rằng nếu không có xanh Huế trong không gian cây lá thì còn chi là Huế nữa. Và cũng là lời của kẻ kia, những “đường phượng bay mù không lối về” hay “chợ Đông Ba khi mình qua lá me bay la đà” là một hình ảnh gợi cảm, là một ký ức đẹp của Huế và về Huế. Còn tôi đã nghĩ đến Huế có được một không gian xanh mang đậm chất trầm tư mặc tưởng cùng thiên nhiên rõ ràng là nhờ cổ nhân đã biết coi trọng và có sự ứng xử văn hóa đối với cây xanh. Nó được trồng theo quy hoạch, có hạ tầng đẹp, có sự lựa chọn cây trồng hợp lý phù hợp với không gian và tiết trời xứ Huế, có sự chăm sóc và biết cách hạn chế như chủ động tỉa cành dọn là khi thu về để những vị khách không mời mà tới như bão lũ không thể cứ tự tung tự tác tung hoành gây hại cho cây xanh. Và, có vẻ như hôm nay trồng thêm được nhiều cây xanh hơn cho Huế nhưng ta lại hời hợt hơn cha ông ngày trước trong việc chăm chút nên cây xanh ngã đổ nhiều hơn khi bão lụt kéo về gây hại!