Những mảnh tường cũ kỹ và lở lói. Nhiều hơn là những mảng tường bị bóc trần... đó là hiện trạng bề mặt của một ngôi nhà trong thời gian cải tạo vừa được đình chỉ. Sẽ chẳng có gì để nói nếu đây không phải là một ngôi nhà được xếp vào dạng công sản (thuộc sự quản lý của Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế) và đang được cho thuê làm dịch vụ, cộng với một điều khoản được ghi rõ trong hợp đồng là không được thay đổi hiện trạng. Cũng sẽ chẳng có gì để nói nếu đây không phải là một trong những kiến trúc kiểu Pháp, có tuổi đời khoảng 100 năm. Cũng giống như nhiều kiến trúc Pháp khác, ngôi nhà ở số 3 đường Đống Đa này còn là những hợp phần của văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và giá trị cảnh quan. Nói một cách khác đi, đó chính những hợp phần đã tạo nên một diện mạo, ký ức và chiều sâu của thành phố.

Việc làm biến đổi hiện trạng này diễn ra chỉ sau khi UBND tỉnh có quyết định công bố 27 kiến trúc Pháp tiêu biểu hiện có trên địa bàn TP. Huế vài ngày. Trong đó, có 11 kiến trúc thuộc sự quản lý của các cơ quan Nhà nước, 16 công trình thuộc sở hữu của các tổ chức khác. Giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, đầu tư xây dựng, kiến nghị các hành vi vi phạm trong việc đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng công trình theo đúng quy định hiện hành cũng như hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền là những yêu cầu tại quy định này, xem đó như là định hướng của công tác bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan, lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật. Công trình kiến trúc ở số 3 đường Đống Đa không có tên trong danh mục này, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là nó không có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa và giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật. Thậm chí, người ta còn đặt nó trong tương quan với một vài công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu khác.

Cơ quan quản lý lại chỉ biết thông tin về việc làm thay đổi bề mặt của công trình kiến trúc này khi việc đã rồi là điều cần được xem xét, nhìn nhận lại; cũng như việc xử lý vi phạm hợp đồng này cũng cần có những chế tài nghiêm túc để không tạo ra những tiền lệ xấu. Tuy nhiên, ở đây cũng có những câu hỏi khác, là với các công trình kiến trúc Pháp khác còn lại trên địa bàn, thuộc sự quản lý của các cơ quan Nhà nước, TP. Huế sẽ có những định chế tương tự như của UBND tỉnh để gìn giữ ký ức cho chính mình? Việc hệ thống lại và lưu giữ, bảo tồn cũng như để phát huy các giá trị này sẽ tiếp tục được đặt ra như thế nào trong thời gian tới?

Thực ra thì theo chúng tôi, những công trình kiến trúc Pháp như thế này cũng không còn mấy nữa. Vì thế nên nhiều người vẫn thương nhớ những tòa nhà kiểu Pháp duyên dáng thửa nào trên đường Lý Thường Kiệt.

Khi đề cập đến việc trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh – số 59 - 61 Lý Tự Trọng  - một công trình còn giữ được kiến trúc Pháp thời thuộc địa Pháp gần như nguyên vẹn đến cả cánh cổng có thể sẽ bị tháo dỡ, di dời, Martin Rama – nhà kinh tế của Ngân hàng thế giới đã chia sẻ trên Góc nhìn của VNEXPRESS rằng, “nếu những tài sản này bị hy sinh chỉ để có thêm đất cho căn hộ và văn phòng, sự mất mát sẽ không thể đảo ngược. “Cá tính” của đô thị có thể dễ dàng bị phá hủy, nhưng không dễ dàng khôi phục.”

Tôi đọc, và đã nghĩ hoài về những “ký ức” có thể rồi sẽ bị mất đi...

Minh Hà