Cách đây chưa lâu, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn tặng 94 tập sách Đông y quí hiếm cho Thư viện Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa. Bộ sách là di sản của một thượng thư triều Nguyễn, cụ Trần Đình Bá, là cố nội nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn để lại. Sách qui tụ nhiều y lý giá trị về y học cổ truyền được đúc kết từ xa xưa. Hội Đông y tỉnh trong nỗ lực sưu tầm những bài thuốc quý cũng đã tiếp cận được hàng trăm châu bản liên quan dưới triều Nguyễn. Nguồn tư liệu này cho phép hé mở những thông tin quý giá về những thang thuốc “danh bất hư truyền” một thời, trong đó có “Minh Mạng Thang” - phương thuốc bổ thận tráng dương, lưu truyền từ thời Minh Mạng. 

Với sự tồn tại của một Thái y viện trong cung Nguyễn qua hàng thế kỷ, Huế từng là nơi qui tụ những danh y hàng đầu khắp mọi miền. Theo đó, nhiều bài thuốc quí đang được lưu truyền, thừa kế cùng 155 cơ sở y học cổ truyền tư nhân đang tồn tại. Như thế để thấy, Huế có điều kiện để xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch Đông y. 

Về điều này, phải kể đến thương hiệu Đồng Nhân đường của Trung Quốc, được thừa kế từ một hiệu thuốc dưới triều Thanh, từng chữa bệnh cho hoàng cung 8 đời Thanh triều. Đến nay, sau 20 năm thành lập tập đoàn, thương hiệu Đồng Nhân đường đã nổi tiếng khắp nơi. Riêng Bắc Kinh Đồng Nhân đường là nơi chuyên phục vụ quốc khách, trở thành điểm đến tấp nập với những đơn thuốc và dịch vụ khám, chữa bệnh cổ truyền đắt đỏ.

Trở lại Huế, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho hay, hướng khai thác du lịch trên thương hiệu Thái y viện triều Nguyễn là một ấp ủ bấy lâu. Trong khi một vài sản phẩm “ăn theo” như rượu Minh Mạng, trà Cung đình đã có chỗ đứng nhất định.

Không chỉ với Đông y, xem ra ở Huế, gần như ra ngõ là gặp cơ hội du lịch. Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, vấn đề còn lại là cái tài của Huế trong cách làm. Có vẻ như với lĩnh vực Đông y đã có sẵn nền móng. Nhưng ngoài rượu Minh Mạng và trà Cung đình, liệu Huế sẽ có thêm gì nữa?

Tiểu Muội