Người ta sống với nhau là vậy, phá bỏ những định kiến tôi vẫn thường nghĩ về nỗi ích kỷ “dễ thương” rằng ai cũng phải lăn xả ra đường để giành về thật nhiều lợi ích cho cuộc sống ấm no của bản thân và gia đình. Người ta sống với nhau là vậy, ý là những người tôi quen, đã từ rất lâu!

Vì là lâu, nên chữ “thân” và “biết” cứ thế lấn át mọi sân si thì phải. Rồi có lẽ hoặc họ không đủ ngôn từ để giải thích, hoặc cũng ngại để nói nhiều chẳng hạn, nên lúc nào bịch bánh canh, khay bánh bèo và cả ly nước đậu cũng nhiều hơn sau mỗi lần trở lại. Tôi không có vì thế mà tham, chỉ là thấy thích như vậy, để biết rằng mình vẫn còn được nhớ đến.

Với những gì mình được cho thêm, nếu mà nói đó là cách họ giữ khách thì cũng chẳng có gì lạ, vì hiển nhiên đây là một trong những chiêu trò buôn bán. Nhưng kỳ thật, bản thân cứ thấy thương và cố giữ cuộc trò chuyện với cô chủ gánh hàng – người có đôi mắt nhìn hơi chệch vẫn thường hỏi: “Bà dạo này khỏe luôn phải không bé”?

Khác với dì ở tiệm thẩm mỹ bên đường tôi từng ghé lại - nơi người ta thường gọi nhau là người đẹp và cười bỗ bã “lâu ngày chị hỉ” để câu khách, dù hôm rồi vừa mới gặp nhau- mấy o bán hàng quy mô nhỏ vậy chứ mà thân thương kiểu gì khác lắm. Cái này tôi không tả rõ được, chỉ biết là khi tôi đã quên về hình ảnh của mình những ngày còn bé, thì họ vẫn nhớ: “Chu chà hồi xưa còn để tóc đờ mi và gầy nhóc rứa mà...” hay đại loại những câu kiểu “dì còn mấy độ chục cái bánh gói. Biết cháu thích ăn nên mơi chừ cố để lại, đợi bé qua”. Đó, trong hai ba đợt thì vẫn có lúc tôi chắc mẩm họ cứ nói đại về độ dài của mái tóc ngày xưa, hoặc cũng tỏ âu bánh vẫn đầy suốt một hồi từ trước, nhưng vì có gì đó rất… của mình, nên mỗi lần thức sớm trở về chốn cũ, tôi và bé em trong nhà vẫn cố gắng ủng hộ mỗi gánh một thứ, dù biết chắc bữa cơm trưa nay sẽ khó mà có mặt mình.

Rồi nói đi cũng phải nói lại, với những gánh hàng 5.000, 10.000 đồng ấy nhà tôi cũng chẳng để họ phải nhớ một mình. Tôi chắc là bà ngoại ở nhà đã sống rất thật ở dãy tập thể cũ, nên được họ thương và ngoại cũng thương nhiều người khi thỉnh thoảng vẫn hỏi về bộ ba hàng quán liệu vẫn còn bán đầy đủ hay đã tan đàn xẻ nghé. Có lẽ những câu hỏi chỉ chợt lóe lên trong những dòng suy nghĩ ngắt quãng và mập mờ của một tấm lưng lòng còng đã gần 87 tuổi, nhưng sau những thay đổi của cuộc đời, họ vẫn luôn nhớ về nhau qua những vật trung gian rất đỗi bình dị.

Sau nhiều bữa ăn uống dọc đường, mẹ biết cả nhà thích hoặc tiện nên vẫn nhờ người quen ghé mua luôn vài gói bánh canh ngon ở góc nhà cũ. Vì mình thương họ và họ cũng thương mình...

An Đình