ClockThứ Năm, 06/04/2017 21:49

Điều đơn giản

TTH - 1. Tôi nhìn con đường to rộng, nhìn những ngôi nhà mọc lên ở phía cao và thấy quá chừng lạ lẫm. Không còn thấy triền đồi. Không còn thấy những vạt hoa mua tím chen chân trong đám cỏ may. Có một con suối nữa. Nó ở đâu giữa những mái nhà lô nhô kia? Con dốc bằng đất mà tôi thường lên xuống hàng ngày cũng chẳng còn bóng dáng. Vài đôi mắt nhìn khách phía sau ô cửa, cái cách nhìn ơ hờ chẳng nói lên điều gì. Chỉ giọng nói đang lướt qua là nghe chừng còn quen…

Không có lát cắt nào có thể nhận được nếu nhìn từ ký ức. Mà tôi đâu có gì nhiều hơn khi rời đi đã 40 năm. Nhà tôi hồi đó nằm giữa một dãy mái tranh. Căn bếp gỗ cách nhà một khoảng sân bằng đất. Phía sau là một giàn bầu, su su, bí đỏ, bí xanh theo mùa và sau nữa là tiếng chảy róc rách suốt ngày của dòng nước được dẫn về từ trong núi. Cái khoảng sân bằng đất chạy giữa khu tập thể, lâu lâu lại xực lên mùi cá. Cái chộn rộn khi người lớn chia phần đủ để làm lũ trẻ con như tôi hao hức nghĩ đến bữa cơm thơm sau đó chứ không phải là thứ quả ăn mãi được hái sau chái bếp. Phía bên kia đường là cánh đồng rộng, nơi mà tôi hay tha thẩn trên dốc chờ chị gái đi thả te và bắt ốc những hôm nghỉ học. Giờ nơi ấy đã là xóm phố rồi. Những ngôi nhà to nhỏ các loại chen kín mặt đường. Hỏi mãi cũng chỉ vài người biết nhà máy điện cũ, giờ đã lùi vào ngõ ngách nào đó khi đã xong phận sự của mình. Tôi thì nhớ rõ vì ngày trước, chỉ mỗi ở đó mới có một chiếc giếng. Cứ sáng sớm, anh trai tôi lại đặt mấy chiếc thùng lên chiếc xe gỗ tự chế để kéo nước về cho cả nhà. Buổi chiều, thềm giếng trở thành nơi họp chuyện khi người ta chờ đến lượt mình sử dụng nhà tắm, giặt giũ…

Đó là cái nhìn ngang trong một chiều muộn khi ghé ngang xứ Thanh trên đường công tác. Chốn cũ chỉ còn nguyên trong ký ức ngày tôi theo ba má về Huế khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất. Cô bạn lũn tũn tên Tím ngày xưa hay chơi nghe đâu cũng đã theo chồng sang xứ khác từ lâu lắm rồi. Có lẽ không tìm thấy, nên nỗi bần thần cứ lơ lửng suốt dọc chặng đường…

2 . Chúng ta có bao nhiêu điều  đã trở thành chốn cũ trong mỗi cuộc đời? Một nơi chốn mà ta đã rời đi. Một ngôi trường xanh bóng cây với những hồi hộp rất trẻ con trong giờ trả bài. Những ríu rít tuổi học trò. Một ánh mắt thật quen trên sân trường thường làm ta lúng túng. Năm tháng rồi cũng đã mang theo ta những dư âm khác với những dễ thương, dễ chịu và cả những đắng cay mà mình có, ngay từ những trải nghiệm đầu tiên; những va vấp và không ít lời đâu có dễ bay đi…

Tôi mặc lòng cứ gọi những điều ấy là chốn cũ. Phần vì biên độ xê dịch của mình được xếp vào dạng đơn giản. Nếu có thể cũng chỉ vài ba đường vạch trong một phác thảo. Nhưng đúng là trải nghiệm thì đủ làm đau, đủ để thôi ngỡ ngàng như vài ba lần đầu và có thể sớm có những tín hiệu nhận biết. Thật ra thì chẳng có trải nghiệm nào giống trải nghiệm nào và đó mới là cuộc sống. Sau những phản xạ tức thời, nó mang đến, hay đúng hơn là làm ta biết nghĩ hơn bằng cái nhìn chừng mực, suy xét chừng mực. Từ biên độ của một nơi chốn, được đánh dấu bằng thời gian, điều mà tôi có cho mình, là khi ta đơn giản hóa mọi điều đến mức có thể được, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Thương yêu cũng vì thế mà gần lại.

3.Thường kể với mọi người về chốn cũ, như một ký ức không dầy đặc nhưng bền chặt, tôi đã nghĩ về những năm tháng ấu thơ nghèo khó và trong trẻo, với một dõi theo đau đáu của ba má về Huế ngày quê hương chưa thống nhất qua những câu chuyện kể về bến sông, góc vườn và hình ảnh không thể nào mường tượng rõ nét về ông bà nội và các o chú… nên khi quay trở lại mà không tìm thấy, tôi cứ thấy có gì đó lễnh loãng. Như là mình đã làm điều đó không phải.

Quả thật là có những điều cố làm cho nhẹ đi đến mức có thể, nhưng chắc chắn không phải điều gì cũng đưa nó về hằng số đơn giản, nhất là khi những điều đó thuộc về mình. Sự trở lại, do vậy mà cứ còn loanh quanh mãi trong ý nghĩ. Nó khác hoàn toàn với cách ứng xử khi thuộc về số đông.

Nhưng nghĩ cho cùng thì điều ấy cũng đâu có phức tạp khi nó thuộc về mặc định người như một thực thể…?

NGUYỄN HÀ CHI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không gian của vua Hàm Nghi tại Huế

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa khai mạc không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” tại nhà Tế Tửu – Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Đây là sự kiện ý nghĩa được nhiều người mong đợi để tìm hiểu cuộc đời và chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật của một vị vua yêu nước, một nghệ sĩ tài hoa.

Không gian của vua Hàm Nghi tại Huế
Return to top