Papua New Guinea được công nhận thoát khỏi bệnh bại liệt kể từ năm 2000, trước khi đợt bùng phát dịch mới tái xuất hiện. Ảnh: AP

Tờ AFP ngày 26/6 dẫn nguồn tin từ WHO cho hay, virus bại liệt được phát hiện ở một cậu bé 6 tuổi ở tỉnh Morobe của Papua New Guinea, 18 năm sau khi quốc gia Thái Bình Dương này được tuyên bố thoát khỏi bệnh bại liệt.

Trong một động thái liên quan, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nói thêm, virus cùng loại cũng được phát hiện từ mẫu phân của 2 trẻ em khỏe mạnh khác trong cùng một cộng đồng. Điều này "đồng nghĩa với một ổ dịch", WHO nhận định.

"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về trường hợp bệnh bại liệt này ở Papua New Guinea, và thực tế là virus đang di chuyển. Ưu tiên ngay lập tức của chúng tôi là phản ứng và ngăn chặn việc có thêm trẻ em nhiễm bệnh", Bộ trưởng Y tế Papua New Guinea, ông Pascoe Kase lưu ý trong một tuyên bố.

Theo đó, các bước thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh truyền nhiễm cao này bao gồm việc tiến hành các chiến dịch chủng ngừa với quy mô lớn, cũng như tăng cường hệ thống giám sát giúp phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh đã được thực hiện.

Papua New Guinea đã không ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh nào kể từ năm 1996, và được tuyên bố thoát khỏi bệnh bại liệt vào năm 2000, cùng với phần còn lại của khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO.

Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ vắc-xin bại liệt tại tỉnh Morobe ở mức thấp, khi chỉ có 61% trẻ em nhận được 3 liều khuyến cáo, WHO nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, điều kiện vệ sinh không đầy đủ là cũng vấn đề trong khu vực này.

Theo số liệu từ WHO, số trường hợp bại liệt trên toàn thế giới giảm hơn 99% kể từ năm 1988, từ khoảng 350.000 trường hợp xuống còn 22 trường hợp được báo cáo trong năm 2017. Chỉ có 3 quốc gia gồm Afghanistan, Nigeria và Pakistan được WHO coi là những quốc gia vẫn còn dịch bệnh bại liệt hồi tháng 3 vừa qua.

Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP & The Guardian)