Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT hỏi thăm, động viên cô Lý

Câu chuyện của cô giáo trẻ, sinh năm 1984, đang giảng dạy bộ môn ngữ văn tại Trường THPT Hương Giang (Nam Đông) khiến nhiều người xúc động.

Vượt núi để gieo con chữ

Nhà ở thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, cách điểm trường dạy hơn 50km, cách trở bởi con đèo La Hy dốc đứng hiểm nguy. Hàng ngày, cô phải dậy sớm từ 4 giờ sáng kịp bắt 2 chặng xe buýt mới có thể đến điểm trường để bắt đầu một ngày gieo con chữ, gieo yêu thương đến những học sinh thân yêu nơi vùng núi. “Đối với tôi, được đứng trên bục giảng là những giây phút thấy mình có ích, hạnh phúc vô cùng!”, cô Lý tâm sự .

Cái nghèo, cái khó khiến học sinh bỏ học nhiều, vậy là cô Lý cùng đồng nghiệp tranh thủ từng buổi sau giờ lên lớp để băng rừng, lội suối vào tận nhà từng em “bắt” quay trở lại trường. Thương các em, cô Lý lại phát động, kêu gọi đồng nghiệp trích một phần tiền lương để làm phần thưởng, khích lệ các em trong học tập. Nghe ở đâu có chương trình thiện nguyện, từ thiện cô Lý xin những phần quà từ xe đạp, chăn mền, áo quần... rồi ưu tiên tặng cho những học sinh có nguy cơ bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh khó khăn. Hình ảnh cô giáo trẻ năng động, hoạt bát, nụ cười luôn thường trực trên môi cùng tấm lòng bao dung trong ánh mắt học trò, đồng nghiệp cứ thế luôn được yêu quý.

Bỗng dưng những ngày cuối năm 2017, những triệu chứng đau xương khớp và nhiều lần ngất xỉu giữa tiết dạy xuất hiện. Sau nhiều tuần dùng thuốc, cơn đau không thuyên giảm mà vẫn trở nặng, gia đình quyết định đưa cô vào TP. Hồ Chí Minh để khám và kết quả cho ra bệnh án nghiệt ngã, báo rằng cô mang trong mình căn bệnh quái ác Lupus ban đỏ...

Vừa chữa bệnh, vừa đến trường

Những lúc lên cơn đau dữ dội, cô vẫn cố nở nụ cười thân thiện khiến người đối diện không biết cô đang mang trong mình trọng bệnh. Sau một thời gian điều trị, giờ đây cô Lý đã chuyển bệnh án ra Bệnh viện Trung ương Huế để tiếp tục chạy chữa, vừa gần nhà, đỡ tốn kém, vừa có thể đứng theo đuổi công việc.

Anh Võ Hải, chồng cô Lý cũng là giáo viên tiểu học, người đồng cam cộng khổ thấu hiểu vợ đã chạy vạy khắp nơi để lo tiền chữa bệnh cho vợ. Số tiền đổ vào điều trị bệnh đến nay hơn 100 triệu đồng, một con số quá lớn so với mức lương của hai người. Cũng từ lúc đổ bệnh, cô Lý được trường phân công giảm tiết. Cô vẫn cứ áy náy, thương học trò nghèo, nhớ những buổi băng rừng lội suối vận động các em quay lại trường...

Năm nay, vì bệnh mà cô Lý lỗi hẹn với ôn thi khối 12, nhìn cách nói chuyện, cô vừa tiếc, vừa day dứt không lo được cho học trò. “Tôi ước mình có sức khỏe nhiều hơn để có thể theo cùng các em, được truyền đạt những kiến thức trước ngày các em bước vào trường thi một cách tự tin nhất”, cô Lý nhỏ giọng.

Thầy giáo Nguyễn Toàn Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Hương Giang kể rằng, bên cạnh chuyên môn cũng như sinh hoạt cô Lý là một người trách nhiệm, hiền hòa và có tình yêu đặc biệt dành cho học trò mà mình chủ nhiệm. Hoàn cảnh dẫu khó khăn nhưng cô không từ nan một công việc nào trường giao, ngược lại luôn thực hiện tốt. “Từ ngày chuyển về Huế điều trị bệnh cô vẫn tranh thủ thời gian lên lớp. Trường đã tạo điều kiện, giảm tiết và hỗ trợ, xếp lịch dạy phù hợp, cũng như dạy thay cho cô khi trở bệnh hay tái khám”, thầy Thắng cho hay. Gần đây, trong một chương trình hỗ trợ vay vốn cho những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tạo đã xúc động trước nghị lực, cống hiến và gửi lời động viên đến cô Lý vượt qua bệnh tật để theo đuổi sự nghiệp gieo trồng con chữ đối với học sinh vùng núi.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH