Ô nhiễm không khí có mối liên quan đến bệnh tiểu đường. Ảnh: Reuters

Bệnh tiểu đường thường chủ yếu liên quan đến các yếu tố về lối sống như chế độ ăn uống và lối sống ít vận động, nhưng nghiên cứu của Trường Y khoa Đại học Washington ở thành phố St Louis, tiểu bang Missouri, Mỹ cho thấy, ô nhiễm cũng đóng một vai trò đáng kể.

Nghiên cứu ước tính, ô nhiễm đã dẫn đến 3,2 triệu trường hợp mắc bệnh tiểu đường mới trên toàn cầu trong năm 2016, tương đương khoảng 14% trong tổng số những ca bệnh tiểu đường mới trên toàn cầu trong cùng năm.

Tờ AFP ngày hôm nay (30/6) dẫn lời Tiến sĩ Ziyad Al-Aly, tác giả cao cấp của nghiên cứu khẳng định: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một mối liên hệ đáng kể giữa ô nhiễm không khí và bệnh tiểu đường trên toàn cầu”.

Ô nhiễm được cho là làm giảm hoạt động sản xuất insulin của cơ thể, "ngăn chặn cơ thể chuyển đổi glucose trong máu thành năng lượng mà cơ thể cần để duy trì sức khỏe", theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Planetary Health của Mỹ.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Al-Aly cũng lưu ý, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường gia tăng thậm chí khi ở mức độ ô nhiễm không khí hiện được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là an toàn.

"Điều này là quan trọng, bởi nhiều nhóm vận động hành lang công nghiệp cho rằng, mức độ hiện tại quá nghiêm ngặt và nên được nới lỏng. Bằng chứng cho thấy, mức độ hiện tại vẫn chưa đủ an toàn và cần phải được thắt chặt", ông Al-Aly nói thêm.

Trên toàn cầu, bệnh tiểu đường gây ảnh hưởng đến hơn 420 triệu người và là một trong những căn bệnh phát triển nhanh nhất thế giới.

Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP & CNN)