Hàng triệu gia đình sống dựa vào việc đánh bắt cá trên các đại dương. Ảnh: WWF
Các đại dương chung là những khu vực biển ngoài phạm vi quyền hạn quốc gia (ABNJ) không bị chi phối bởi bất kỳ nước nào. Thay vào đó, tất cả các quốc gia cùng chịu trách nhiệm quản lý bền vững các khu vực đó.
ABNJ, còn được gọi là các đại dương chung, bao gồm biển và đáy biển bên ngoài thềm lục địa mở rộng của các quốc gia ven biển, là những khu vực khó giám sát, khó quản lý và quá dễ để bị khai thác quá mức.
Thật không may, các đại dương chung đang phải đối mặt với một loạt các mối đe dọa bao gồm đánh bắt cá bất hợp pháp, ô nhiễm, đánh cá và vận chuyển không bền vững. Các hoạt động này đang làm tổn hại đến các hệ sinh thái đa dạng và giá trị, vốn là nơi cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng, thực phẩm thiết yếu và sinh kế cho mọi người dân trên khắp thế giới.
Hàng triệu gia đình ở cả các nước phát triển và đang phát triển phụ thuộc vào thu nhập từ hoạt động đánh bắt cá và các hoạt động liên quan. Số liệu thống kê cho thấy, hàng năm có 150.000 tấn cá biển sâu được đánh bắt, và có tới 50 loài sinh vật biển sâu khác nhau bị đánh bắt chỉ trong các đại dương chung.
Các đại dương chung nắm giữ đến 95% lượng nước trong các đại dương của chúng ta. Đó là nơi sinh sống của một số hệ sinh thái phức tạp nhất thế giới, giúp kiểm soát khí hậu và cung cấp thực phẩm cho con người. Ngay cả khi trước giờ bạn chưa hề nghe về các đại dương chung thì bạn cũng đã được hưởng lợi từ chúng theo cách này hay cách khác.
Dựa trên nhu cầu nhằm đạt được mục tiêu quản lý bền vững về thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học trong các đại dương chung của chúng ta, Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc FAO đã phát triển Chương trình Đại dương chung với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF). Chương trình bao gồm 4 dự án riêng lẻ, là một sáng kiến sáng tạo, độc đáo và hợp tác toàn diện, chặt chẽ với hai cơ quan GEF khác là Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và Ngân hàng Thế giới. Tập trung vào việc nuôi cá ngừ và thủy sản biển sâu, 4 dự án này tập hợp 65 đối tác bao gồm các chính phủ, cơ quan quản lý khu vực, xã hội dân sự, khu vực tư nhân, học viện…để đảm bảo sử dụng bền vững và bảo tồn các dịch vụ sinh thái và đa dạng sinh học của các đại dương chung.
Mặc dù có tiến bộ trong một số lĩnh vực, thế giới vẫn cần tiếp tục làm việc cùng nhau để hỗ trợ việc thực hiện quản lý thủy sản bền vững, giảm đánh bắt bất hợp pháp, chưa được báo cáo và không được kiểm soát (IUU), giảm thiểu sự tác động của hệ sinh thái từ hoạt động khai thác phá hoại và cải thiện các chính sách và khuôn khổ hiện có. Hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể giúp bảo tồn các hệ sinh thái biển dễ bị tổn thương.
Thông qua nghiên cứu, chia sẻ kiến thức, xây dựng năng lực và các giải pháp sáng tạo, chúng ta có thể đảm bảo tính bền vững lâu dài của các hệ sinh thái nhạy cảm này.
Nếu chúng ta tăng cường năng lực toàn cầu để quản lý hiệu quả các đại dương chung, chúng ta có thể khám phá và bảo vệ tiềm năng chưa được khai thác của các đại dương chung cho các thế hệ kế tiếp.
Tố Quyên (Lược dịch từ Devdiscourse)