Có người thấy thế bảo tôi “tưng tưng”, nhưng tôi vẫn muốn tiếp xúc với các o các chị bán hàng rong bởi ở đó tôi biết được về bao nhiêu số phận, bao mảnh đời với những buồn vui và trắc ẩn khác nhau. Thực ra, tôi hòa mình vào những gánh hàng rong từ khi còn học tiểu học. Hồi ấy, thời kỳ bao cấp, với đồng lương công chức của bố mẹ thì khó để nuôi bảy anh em chúng tôi ăn học. Nhờ vào mảnh vườn ông bà nội để lại và sự cần mẫm của mẹ quanh năm nên nhà tôi thường xuyên có thứ đem ra chợ bán để cải thiện cuộc sống. Khi thì gánh rau với đủ các loại, rau ngót, me đất, rau khoai…; ngày vài ba quả mít chín, lúc lại mít non, đu đủ, chanh, bưởi, cóc, đào, ổi; có hôm là mấy con gà và mớ trứng. Lúc nhỏ thì tôi lẽo đẽo theo mẹ, lớn chút nữa thì tự đi bán hàng một mình. Những người bán hàng tôi ngồi cùng không có chỗ nào cố định, tất cả hàng hóa nằm gọn trong đôi quang gánh ấy, lúc thì ngồi trên lề cây cầu gần chợ, lúc bên mép bờ sông. Bán hàng kiểu đó không phải đóng thuế, không trả tiền mặt bằng nhưng lại phải chịu nhiều áp lực, vừa bán vừa lo trật tự đến đuổi, mưa nắng phải đội trời cho đến khi hết hàng. Tiền lãi họ kiếm được cũng chỉ đắp đổi qua ngày, mong đủ tiền đong gạo, thức ăn chủ yếu chỉ rau dưa. Đồng hành cùng những người bán hàng rong luôn là đôi quang gánh và chiếc nón lá. Dưới chiếc nón và đôi quang gánh là những khuôn mặt khác nhau, mỗi người ở một nơi khác nhau, chỉ có sự lam lũ hằn trên nét mặt chất phát của họ là đồng điệu. Từ là người xa lạ, khi đặt gánh hàng cạnh nhau thì lập tức trở thành thân thiết. Lúc vắng khách, họ kể cho nhau nghe về cuộc sống của mỗi người, cùng bàn tán về thế thái nhân tình theo cách của người dân thường, thi thoảng cũng nói về chính trị, về thời sự như ai. Những câu chuyện ấy tưởng chỉ để giết thời gian, nhưng đã không ít chi tiết ăn sâu vào ký ức góp phần làm hành trang vào đời cho tôi.

Hồi học ở Hà Nội tôi sống trong ký túc xá. Ngày ấy, ngoài thầy cô và bạn bè, thì những người tôi gặp nhiều nhất là mấy chị “bóp”. Chị “bóp” là tên gọi mà sinh viên chúng tôi đặt cho những người bán hàng rong được phép vào trường bán hàng cho sinh viên. Gọi như vậy là muốn ám chỉ các chị chuyên bán hàng đắt cho sinh viên. Nói thế thôi, chứ thực ra các chị có chọn hàng loại 2 loại 3 về bán thật, vì sinh viên nghèo nên phải làm như thế để bán được giá rẻ. Chưa kể năm nào sinh viên ra trường chẳng có đứa “quỵt” tiền các chị… Ra trường, trở thành công chức, khi nghĩ về thời sinh viên nghèo, nhiều người lại mỉm cười thấy thương các chị mà không có điều kiện mang tiền ra trả lại hay đến để cảm ơn các chị đã cho nợ lúc cái bụng rỗng, không học được bài. Để bảo đảm trật tự, mỗi mặt hàng nhà trường chỉ cho một người vào bán. Vì thế mà hôm nào có người không đi bán hàng, chúng tôi thấy thiêu thiếu. Thời gian trôi đi, có lẽ các chị “bóp” không thể nhớ hết lũ chúng tôi, nhưng hình ảnh các chị đã theo bao thế hệ sinh viên của trường đến các vùng miền trong cả nước.

Tôi theo chồng trở về quê, làm dâu ở một góc phố nhộn nhịp mua bán trong thành phố. Chỉ mười mấy mét vỉa hè trước nhà tôi lại là chốn mưu sinh của hàng chục người đến từ các vùng quê. Vợ chồng chú Chơi o Mau bán cơm hến, nhà ở tận Phú Vang. Chị Hà bán bánh ướt, ở trên Kim Long. Chị Bê bán bún, nhà cũng cách hàng chục cây số. Chị Cúc bán bánh canh cũng vậy… xen giữa những hàng rong còn có vài người bán cà phê, sữa đậu nành. Chiều đến, họ nhường chỗ cho một nhóm chủ khác bán bia với một vài món nhậu bình dân. May mắn hơn nhiều người bán hàng rong khác, những người bán hàng rong khu phố tôi ở ngấm ngầm được phân chia chỗ bán cố định. Họ thuê chỗ để bàn ghế bát đĩa ở những nhà dân quanh đó. Sáng sớm họ chở hàng đến bằng xe máy. Tuy vậy, họ phải thức dậy từ 3- 4 giờ sáng, trên đường đi còn ghé nhiều chỗ lấy hàng, đến nơi phải vội vàng nhóm lửa, dọn bàn ghế mới kịp phục vụ khách ăn sáng. Còn người bán hàng buổi chiều thì chẳng ai muốn về nhà sớm. Bởi điều đó chứng tỏ bị “ế” nên thường họ về đến nhà cũng 12 giờ đêm, 1 giờ sáng. Từ đó, mà khu phố lúc nào cũng nhộn nhịp, ồn ào. Vất vả là vậy, nhưng thu nhập của họ cũng chẳng dư dả là bao. Cứ đến Tết, hay đầu năm học mới, các chị lại chạy quanh kiếm tiền để chi trả các khoản.

Mỗi nơi có một cách bán hàng riêng, mỗi người sinh ra từ một vùng đất, bán những mặt hàng khác nhau. Nhưng đã bán hàng rong thì đều vất vả như nhau. Không ít những gánh hàng rong nuôi lớn người tài, cũng không thiếu những thanh niên cha mẹ lam lũ theo gánh hàng rong mà vẫn lêu lổng, họ không ý thức được bát cơm họ ăn mỗi ngày được đổi bằng mồ hôi, bằng sự bám trụ bên đường ngày này qua tháng khác của đấng sinh thành. Và rồi, những gánh hàng rong muôn thuở vẫn tồn tại, bởi thực tế nó cần thiết cho nhiều người.

Hương Lan