Đây là mức giảm lần đầu tiên trong năm nay đối với hàng hóa thực phẩm nông nghiệp thế giới. Ảnh: FAO

Chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp quốc (FAO) đạt trung bình 173,7 điểm trong tháng 6, giảm 1,3% so với mức của tháng 5. Sự sụt giảm này chủ yếu là do các mức giá tiêu chuẩn thấp hơn đối với lúa mì, ngô và dầu thực vật, kể cả dầu được chiết xuất từ ​​đậu nành.

Chỉ số giá thực phẩm của FAO là thước đo cho sự thay đổi hàng tháng về giá thế giới của một loạt các mặt hàng thực phẩm.

Cụ thể, Chỉ số giá ngũ cốc của FAO giảm 3,7% trong tháng 6. Mặc dù triển vọng sản xuất đang yếu hơn đối với các loại ngũ cốc chính, đồng thời đã có "sự sụt giảm tương đối mạnh" trong giá ngô và lúa mì quốc tế, phản ánh những căng thẳng thương mại leo thang.

Chỉ số giá dầu thực vật của FAO cũng giảm 3% so với tháng 5, xuống mức thấp nhất trong vòng 29 tháng. Trong khi đó, giá dầu cọ, dầu đậu nành và dầu hướng dương cũng đều giảm. Ngoài ra, chỉ số giá sữa của FAO giảm 0,9%, do mức giá thấp hơn đối với phô mai.

Trong khi đó, chỉ số giá thịt của FAO tăng nhẹ 0,3% so với tháng 5, dẫn đầu bởi giá trị thịt cừu và thịt lợn tăng. Chỉ số giá đường của FAO tăng 1,2%, đảo ngược 6 tháng giảm liên tiếp, chủ yếu do những lo ngại thời tiết khô hạn ở Brazil, quốc gia sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng mía.

Giảm về sản lượng và kho dự trữ ngũ cốc

Trong một động thái liên quan, FAO cũng cập nhật dự báo về sản lượng ngũ cốc thế giới trong năm nay, hiện đang chốt ở mức 2.586 triệu tấn, giảm 64,5 triệu tấn, thấp hơn 2,4% so với sản lượng kỷ lục trong năm 2017.

Dự báo mới được công bố trong Báo cáo Cung cầu Ngũ cốc của FAO thấp hơn 24 triệu tấn so với dự báo do cơ quan này đưa ra trong tháng 6, phần lớn phản ánh triển vọng sản lượng thấp hơn đối với lúa mì ở Liên minh châu Âu (EU), cũng như lúa mì và các loại hạt thô tại Liên bang Nga và Ukraine.

Bên cạnh đó, tiêu thụ ngũ cốc thế giới được dự báo sẽ tăng lên mức 2.641 triệu tấn trong niên vụ 2018-2019. Do việc tiêu thụ được dự đoán sẽ vượt qua sản lượng mới, các kho dự trữ ngũ cốc toàn cầu tích trữ trong 5 mùa vừa qua sẽ được giảm xuống.

Điều này dự kiến dẫn đến tỷ lệ tồn kho để sử dụng trên thế giới đối với ngũ cốc giảm xuống còn 27,7%, đánh dấu mức giảm đầu tiên trong vòng 4 năm, từ mức 30,6%, mặc dù vẫn cao hơn mức thấp kỷ lục là 20,4% được ghi nhận trong niên vụ 2007-2008.

Đáng chú ý, sự sụt giảm đối với lượng tồn kho được dự kiến ​​sẽ lớn nhất đối với ngô, trong khi lượng gạo dự trữ có thể tăng trong năm thứ 3 liên tiếp. Thương mại ngũ cốc thế giới được dự kiến ​​sẽ duy trì mạnh mẽ trong niên vụ 2018-2019, gần mức kỷ lục trong niên vụ 2017/18.

Lê Thảo (Lược dịch từ FAO & Devdiscourse)