Trao đổi bài sau kỳ thi THPT

Thầy giỏi “đắt sô”

Chuyện học của con không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào điều kiện, kinh tế của mỗi gia đình. Cơ bản, vẫn là sự kỳ vọng của PH nên có cách đầu tư khác nhau. Xu hướng của nhiều người, ở lứa tuổi trung học cơ sở các em học trường nào cũng được nhưng khi thi lên lớp 10, họ muốn con vào những ngôi trường có thương hiệu, chất lượng đào tạo tốt. Thế nên, không ít PH “săn lùng” giáo viên có kinh nghiệm luyện thi, hy vọng họ xây dựng chương trình ôn thi sát để các em đạt điểm cao trong kỳ thi.

“Thầy giỏi” là theo cách gọi của mỗi người khi họ nghĩ giáo viên đó tận tâm với học sinh và thành công trong luyện thi. Ở cấp học nào cũng có những thầy giỏi do PH “tự phong”. Người ta cứ đồn thổi, lò luyện của thầy giáo M. năm ngoái dạy “trúng tủ” nên nhiều học sinh đậu điểm cao. Cô giáo T. “mát tay”, học sinh có sức học yếu, ham chơi hễ vào trung tâm cô T. luyện thi thì 10 em đậu cả chục (?!).

Một điều mà PH thường vấp phải là “sính” thầy giỏi. Hễ nghe có giáo viên dạy tốt các môn con chuẩn bị thi, họ lại bằng mọi cách xin cho con theo học, bất chấp nhà xa, giờ giấc bất tiện, học phí cao so với mức thu nhập... Nhiều trung tâm có “thầy giỏi” giảng dạy, lượng học sinh đến học đông như nêm để mong muốn luyện giải đề. Hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn thành phố Huế than phiền, PH có con học lớp 8 ráo riết tìm chỗ học thêm cho con. Họ lo lắng đến mức gặp trực tiếp ban giám hiệu, hỏi giáo viên nào có kinh nghiệm luyện thi. Từ nhu cầu của người học dẫn đến chuyện xin học ở những “thầy giỏi” lại không hề dễ. Thế nên, chỉ đăng ký học thêm cũng phải đặt lịch trước cả nửa năm.

Thí sinh vào phòng thi tại kỳ thi vào lớp 10 năm 2018

Kỳ thi vào lớp 10 vừa khép lại, nhiều PH không vui khi bao ngày tháng cùng con theo “thầy giỏi” nhưng kết quả không như mong muốn. Nhiều em không dám cãi lời, bố mẹ chở đến học thì học, còn có tiếp thu được hay không và có chịu học bài hay không lại là chuyện khác. Thế nên, thầy giỏi mà trò không chịu hợp tác cũng hóa công cốc. Nghe lại chuyện của mẹ con chị M. ngược xuôi tìm trường cho con học mà chạnh lòng. Nhà chị ở T.X Hương Trà, tuần sáu buổi, mùa mưa cũng như mùa nắng chở con vào trung tâm ở Huế để học thêm. Thấy con học hành chăm chỉ, lại chọn được thầy giỏi để học, chị yên tâm đăng ký cho con thi vào lớp 10 ở một trường có tiếng trong thành phố. Rốt cuộc, con chị thiếu khá nhiều điểm ở cả hai nguyện vọng. Sốc hơn khi nghe cậu bé tiết lộ, con học cho mẹ vui, chứ thầy dạy nhanh quá con chẳng tài nào theo kịp.

Tùy vào nỗ lực của học sinh

Cùng một lớp học, nhưng có em học rất tốt, có em học thường thường và có em chẳng tiến bộ. Thầy Nguyễn Văn T., giáo viên dạy toán lâu năm than phiền, nhiều em có chịu học đâu, bài tập ra về nhà không làm, giờ học thì ngồi chọc phá bạn, tôi đã từ chối không biết bao nhiêu trường hợp vì thái độ học tập thiếu nghiêm túc của các em. Lớp học thêm ở các trung tâm trung bình từ 40 đến 50 em, không thể dạy theo kiểu “thiếu đâu, lấp đó”, mà giáo viên chỉ dạy lại những kiến thức ở lớp và dạy vượt chương trình. Thế nên, học thêm ở đâu, học như thế nào và cần bao nhiêu thời gian cho việc đến các lớp học thêm lại tùy vào bản thân của mỗi người.

Nhiều giáo viên lâu năm cho rằng, sự kỳ vọng của bố mẹ đôi khi làm cho câu chuyện học thêm chuyển qua một hướng khác, phải đỗ đạt, chứ không đơn thuần là nâng cao kiến thức. Nhiều PH thay chỗ học thêm cho con quá nhiều dẫn đến tâm lý bất ổn, khó tiếp thu phương thức dạy của thầy. Điều đầu tiên là phải chọn cho con một lớp học thêm phù hợp với khả năng học cũng như điều kiện về kinh tế. PH nên thử đánh giá xem con hổng kiến thức ở chỗ nào, môn nào còn yếu để chọn lựa lớp học. Thời gian tự học tại nhà để củng cố thêm kiến thức cho môn học đó cũng là điều cần thiết.

Không ít học sinh trường làng đỗ thủ khoa ở các trường đại học. Đơn giản vì họ chăm chỉ và chịu khó. Yếu tố thông minh chỉ là một phần nhỏ, quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của bản thân, tự học, tự tìm tài liệu chứ không nhất thiết phải tìm thầy giỏi, đến các lò luyện, học thêm...

Bài, ảnh: Huế Thu