ClockChủ Nhật, 15/04/2018 07:59

Trường phải ra trường, thầy ra thầy!

TTH - Chuyện xấu xí và kỳ quặc đang diễn ra liên tục trên khắp các trường học của chúng ta trong những ngày qua. Và có lẽ vẫn còn tiếp diễn, nếu không được giải quyết tận gốc vấn đề.

Không ai có quyền bắt cô giáo quỳBộ GD&ĐT yêu cầu báo cáo việc duy trì hát quốc ca trong nhà trườngNhà giáo nên bao gồm cả cán bộ quản lý đã từng đứng lớp giảng dạy

Kỷ cương trường học phải được đặt lên hàng đầu (Trong ảnh: Lễ khai giảng năm học mới 2017-2018 ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ảnh minh họa)

Cô giáo tiểu học ở Long An bị phụ huynh bắt quỳ. Không chỉ bị bắt quỳ mà cô giáo mầm non ở Nghệ An còn bị đánh đến suýt sẩy thai, chỉ vì nghi ngờ cô đánh con mình. Thầy giáo THPT ở Quảng Bình bị học sinh đâm chỉ vì nhắc nhở cái hình xăm trên cổ của trò. Cô giáo dạy toán ở TP. Hồ Chí Minh lên lớp nhưng im lặng suốt mấy tháng liền chỉ vì “sợ học trò ghi âm rồi tung lên mạng”. Chuyện “cô giáo quỳ, cô giáo thiền” chưa giải quyết xong thì lại xuất hiện cô giáo tiểu học ở Hải Phòng bắt học sinh uống nước vắt ra từ giẻ lau bảng chỉ vì nói chuyện trong giờ học.

Vẫn chưa hết, hôm 4/4 vừa rồi, một thầy giáo dạy văn THPT ở quận Phú Nhuận - TP.Hồ Chí Minh bị đình chỉ dạy học vì nói năng tục tĩu, xúc phạm học sinh. Và mới nhất là chuyện một phụ huynh xông vào trường lột quần học sinh lớp 1 chỉ vì đánh cháu của bà. Chua chát thay, vị phụ huynh ấy lại là giáo viên một trường cao đẳng ở huyện Trảng Bom - Đồng Nai. Toàn là những chuyện trái khoáy “không thể tưởng tượng nổi”!

Điều gì đang xảy ra với trường học của chúng ta? Hầu như những ai quan tâm đến chuyện học hành đều không khỏi thảng thốt lo âu. Quả là trường học hay nói rộng ra là nền giáo dục nước nhà đang “có vấn đề” nghiêm trọng!

Mối quan hệ thầy - trò đang “có vấn đề”, khi thầy lại sợ trò và trò thì xem thầy như đối thủ. Dù rằng luật pháp ngày nay không cho phép thầy giáo dùng đòn roi để rèn học trò, nhưng điều đó đã là cách dạy học từ đời xưa, và không ít phụ huynh vẫn đồng tình với cách dạy nghiêm khắc này, nhất là với những học sinh lười nhác, lêu lỏng. Nhưng sao khi thầy dùng đòn roi thì phụ huynh lại phản ứng quyết liệt? Là vì đã có những thầy giáo dùng đòn roi như cực hình để hành hạ học sinh, dùng lời nặng nề để mạt sát học trò mình cho hả cơn tức giận. Trong bài “Bàn thêm về vấn đề đánh trẻ”, học giả Nguyễn Hiến Lê đã luận giải rất có lý có tình, đại ý rằng thầy phải cầm cái roi bằng tình thương và trách nhiệm của người lớn, để giúp cho đứa học trò bướng bỉnh của mình chế ngự bản năng, tránh xa cái xấu, mà nên người. Đó là một việc nặng nề mà thầy giáo đã dám gánh vác, nên không ít học trò khi lớn lên đã gặp lại thầy để cám ơn.

Nhưng sự nghiêm khắc của thầy giáo xưa nay cũng chỉ được biểu thị bằng cây roi, chứ chưa bao giờ nghe thầy cô bắt trò uống nước giẻ lau bảng. Và ngay cả khi thầy giáo sai, thì quyền của trò chỉ là phản ánh lại với nhà trường, chứ không thể rút dao đâm thầy. Cô giáo sai thì đã có nhà trường, ngành giáo dục và pháp luật xử lý, chứ phụ huynh không thể bắt cô quỳ như một đứa trẻ hư.

“Hãy để chúng tôi làm công việc của người thầy!” - một cô giáo ở TP.Hồ Chí Minh đã bức xúc lên tiếng như thế trên báo Tuổi Trẻ, sau khi xảy ra những chuyện cô giáo bị đánh, bị bắt quỳ. Cô giáo này nói rằng, hãy để cho người thầy được quyền lựa chọn phương pháp dạy học cũng như cách thức truyền đạt cho từng bài học, từng học sinh, kể cả việc xử phạt nghiêm khắc những học sinh lười biếng, vô kỷ luật. Ai là người đầu tiên phải đảm bảo cho thầy giáo được làm công việc của mình, nếu không phải là ban giám hiệu của trường học đó?

Nếu không bảo vệ được quyền làm thầy của giáo viên, cũng như quyền được làm trò của học sinh, thì trường không còn là trường. Trong khi đó, tình trạng lạm thu tiền bạc, chạy đua thành tích, chạy chức chạy quyền, chạy làm giáo viên... lại đang diễn ra trên rất nhiều trường học khắp cả nước. Cho đến khi học sinh lên tiếng về việc giáo viên im lặng suốt ba tháng liền thì lãnh đạo nhà trường mới biết, nhưng điều đáng buồn là ban giám hiệu lại đành chấp nhận để em chuyển sang học trường khác vì sợ bị “trả đũa”.

Thầy không ra thầy, trò chẳng ra trò và phụ huynh cũng chẳng ra phụ huynh - đó là “bệnh trạng” của nền giáo dục chúng ta hiện nay! Nó đòi hỏi phải chữa tận gốc. Gốc đó là vấn đề đạo đức con người - nền tảng của mọi nền giáo dục. Làm người thì phải có đạo đức con người, thì làm thầy có đạo làm thầy, làm trò có đạo làm trò. Phụ huynh cũng là học trò, hiểu theo nghĩa rộng, vì ai mà chẳng từng là học trò, nên người ta luôn “thưa thầy” với thầy giáo của con mình. Xót xa thay, lúc này mà bàn đến đạo lý thầy trò thì sẽ có người lắc đầu cười mỉm. Họ không tin sẽ giữ được đạo đức học đường khi mà đạo đức xã hội đang xuống cấp nặng nề.

Vì vậy, muốn lập lại trật tự trường học thì trước hết pháp luật cần phải nghiêm, quan chức phải gương mẫu, người lớn phải đàng hoàng, thầy giáo phải mẫu mực thì học sinh mới lễ phép. Hay nói một cách rõ ràng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học!”. Việc đó quả là khó, nhưng là việc mà từ ngàn xưa đến nay vẫn làm, cả thế giới đang làm. Khó, nhưng không phải không làm được và không thể không làm!

Bài: MINH ĐĂNG - Ảnh: T. HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

An toàn thực phẩm tại các trường học

Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nói chung và tại các cơ sở giáo dục (CSGD) nói riêng. Để đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ giáo viên và học sinh, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cũng như chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm tại các CSGD trên địa bàn.

An toàn thực phẩm tại các trường học
Làm rõ việc phụ huynh xúc phạm giáo viên ở Trường THCS Hùng Vương

Vừa qua, giáo viên Trường THCS Hùng Vương, TP. Huế gửi đơn phản ánh đến các cơ quan liên quan trình bày việc bị phụ huynh xông vào trường đe dọa, chửi bới, xúc phạm danh dự. Liên quan đến vụ việc, chúng tôi đã trao đổi với các bên liên quan để rộng đường dư luận.

Làm rõ việc phụ huynh xúc phạm giáo viên ở Trường THCS Hùng Vương
Giáo dục tài chính trong trường học

Giáo dục tài chính cho học sinh không chỉ giúp các em biết sống trách nhiệm, trân quý giá trị lao động, biết chia sẻ với ông bà, cha mẹ mà còn là nền tảng quan trọng giúp các bạn trẻ biết lập kế hoạch ngân sách cho cuộc sống tự chủ ở hiện tại và tương lai.

Giáo dục tài chính trong trường học
Kích thích sáng tạo của học sinh tiểu học

Qua gần 1 năm học triển khai đại trà ở cấp tiểu học, giáo dục STEM lôi cuốn sự hứng thú và kích thích sự sáng tạo của học sinh. Điều này được khẳng định qua các sản phẩm trưng bày tại ngày hội STEM cấp tiểu học lần đầu tiên được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vào cuối tháng Tư.

Kích thích sáng tạo của học sinh tiểu học
Ngày hội STEM cấp tiểu học

Ngày 26/4, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày hội STEM cấp tiểu học năm học 2023-2024 với chủ đề “Đẩy mạnh giáo dục STEM thông qua bài học STEM trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học”.

Ngày hội STEM cấp tiểu học
Return to top