Kể từ năm 1999, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN đã tăng gấp bốn lần, tương ứng với mức phát triển từ 77 tỷ USD vào năm 1999 lên thành 2,5 nghìn tỷ USD năm 2016, góp phần đưa khu vực Đông Nam Á trở thành một trong sáu nền kinh tế lớn nhất thế giới.

ASEAN sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Ảnh: The ASEAN Post

Theo dự báo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), khu vực ngày sẽ ngày càng phát triển ổn định và mạnh mẽ trong tương lai nhờ những yếu tố quan trọng như:

Lực lượng lao động ngày càng tăng

Với quan điểm từ phía nguồn cung, việc mở rộng đáng kể trong lực lượng lao động ASEAN đã và đang ghi nhận sự đóng góp to lớn cho đà phát triển toàn diện của khu vực. Trong vòng 20 năm qua, ước tính đã có khoảng 100 triệu người tham gia vào chuỗi lao động và xu hướng này cũng được kỳ vọng sẽ phát triển theo quỹ đạo đi lên trong tương lai.

Dự báo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) chỉ ra rằng, với đà tăng trưởng như hiện nay, có thể đến năm 2030, ASEAN sẽ bổ sung thêm 59 triệu người vào lực lượng lao động, chính thức biến khu vực này trở thành thị trường lao động có đà tăng trưởng lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ và là khu vực có lực lượng lao động lớn thứ ba toàn cầu.

Mặt khác, tăng trưởng về nhu cầu tuyển dụng lao động ASEAN cũng sẽ được đẩy mạnh bởi phân khúc người dân thuộc tầng lớp trung lưu vô cùng phát triển. Một khi số lượng người dân thuộc tầng lớp này chiếm 2/3 tổng dân số ASEAN vào năm 2030, kết hợp với yêu cầu sử dụng nhiều sản phẩm chất lượng cao, thì đây sẽ là động lực thúc đẩy sự mở rộng trong lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Điểm đến đầu tư hấp dẫn

Một lực lượng lao động đang phát triển mạnh mẽ và chuyên nghiệp cũng là yếu tố kéo đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực. Với nhiều yếu tố thích hợp, ASEAN đã trở thành điểm đến đầu tư thu hút thứ tư trên toàn cầu và là điểm đến hấp dẫn nhất châu Á.

Giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung - EU đang rất phức tạp, ASEAN cũng là một trong số những khu vực được hưởng lợi khi các nhà đầu tư chuyển hướng mở rộng thị trường.

Sức mạnh tài chính

Với tình trạng nợ và thu hồi dự trữ ngoại hối tương đối thấp, ASEAN cũng là khu vực phát triển mạnh mẽ và ít bị ảnh hưởng bởi biến động của thị trường toàn cầu. Với mức nợ chính phủ tương đối thấp vào khoảng 39% GDP, các nền kinh tế mới nổi của ASEAN sẽ có thể tận dụng triển khai nhiều chính sách tài khóa mở rộng bằng cách tăng tiêu dùng của chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Tính đến thời điểm hiện tại, ASEAN vẫn đứng rất vững trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế do chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Nhằm giới hạn các thách thức trong tương lai, nhà nghiên cứu Gnanasagaran cho biết, bước phát triển tiếp theo của khu vực nên tập trung tăng cường quan hệ giữa 10 nước thành viên để thúc đẩy thương mại và tăng cường đầu tư chung, đồng thời chuẩn bị các phương án dự phòng khi tình hình đột ngột thay đổi.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ The ASEAN Post)