Dệt zèng ở xã A Roàng (huyện A Lưới) cần được bảo tồn lâu dài

Tính đến 31/5/2018 toàn tỉnh có 86 làng nghề. Trong đó có 40 làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống được công nhận.

Sau khi công bố danh mục các làng nghề cần được bảo tồn lâu dài, UBND tỉnh cũng đề xuất các nhiệm vụ bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn.

Cụ thể, đối với nhóm các làng nghề tại huyện Phong Điền gồm: Làng nghề gốm Phước Tích, Làng nghề đệm bàng Phò Trạch, Làng nghề rèn Hiền Lương cần xây dựng đề án phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch; quy hoạch vùng nguyên liệu; ứng dụng mô hình trình diễn sản xuất gốm phục vụ khách du lịch; đào tạo nghề, truyền nghề và xây dựng nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề.

Nhóm các làng nghề tại huyện Phú Vang gồm: Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, Làng nghề trang dân gian Làng Sình cần phát triển mô hình trình diễn nghề gắn du lịch, đầu tư các hạng mục phục vụ trình diễn (điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm); thành lập hội nghề, mô hình quản lý làng nghề phù hợp; cải tiến, phát triển sản phẩm phục vụ du lịch; xây dựng, phát triển thương hiệu; truyền nghề, đào tạo nghề; đầu tư kết cấu hạ tầng để bảo tồn và phát triển làng nghề gắn du lịch.

Đối với nhóm các làng nghề nón lá Huế, cần hình thành, phát triển các tuyến du lịch làng nghề và các điểm di tích, văn hóa, du lịch tại địa phương; nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng bán hàng, cải tiến mẫu mã sản phẩm nón lá phục vụ du lịch cho các hộ sản xuất trong làng nghề; đào tạo nghề, nâng cao tay nghề gắn với giải quyết việc làm; đầu tư máy móc cải tiến, cơ giới hóa một số công đoạn sản xuất.

Nhóm các làng nghề dệt zèng tại huyện A Lưới cần phát triển các tuyến du lịch làng nghề và các điểm di tích, văn hóa, du lịch tại địa phương; nghiên cứu, đầu tư cải tiến quy trình sản xuất, phát triển mẫu mã phù hợp du lịch; phát triển thị trường; đào tạo nghề, nâng cao tay nghề.

Tin, ảnh: L.Thọ