Lữ hành Huế chỉ trực tiếp đưa khách về Huế 3% trong tổng 3,8 triệu lượt khách đến Huế trong năm 2017

Thiếu doanh nghiệp “đầu tàu”

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Du lịch, vai trò của doanh nghiệp lữ hành (DNLH) quyết định đến 70 - 80% lượng khách mỗi điểm đến. Địa phương nào có DNLH mạnh thì tốc độ phát triển ổn định. Khoảng hai năm gần đây, lượng khách đến Huế tăng trưởng khá, tuy nhiên, chỉ có 3% trong tổng số khách đến Huế trong năm 2017 là do các DNLH ở Huế trực tiếp đưa về. Một phần nguyên nhân khiến lữ hành Huế chưa đủ sức vươn ra “biển lớn” là do các doanh nghiệp thiếu đoàn kết, ít hỗ trợ nhau trong kinh doanh, thậm chí nhiều đơn vị lữ hành còn cạnh tranh thiếu lành mạnh, giành giật khách của nhau.

Cuối năm 2017, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến Huế và họ tự tin khẳng định sẽ đưa đến Cố đô khoảng 30.000 khách trong năm 2018. Họ yêu cầu phía các doanh nghiệp Huế cung ứng bằng cách tăng thêm các dịch vụ gia tăng, chứ không cần hạ giá. Điều đáng tiếc là, phía Huế chưa thể đáp ứng yêu cầu tưởng chừng dễ thực hiện này. Trong các lý do khiến việc hợp tác đi vào “ngõ cụt” là do doanh nghiệp Huế mà cụ thể là lữ hành chưa liên kết để đáp ứng các nhu cầu mà đối tác đặt ra.

Lâu nay, Huế thiếu các DNLH lớn, đủ sức làm đầu tàu để kéo đoàn tàu lữ hành chạy ổn định. Huế thiếu những giám đốc đủ năng lực, uy tín để kêu gọi, gắn kết các doanh nghiệp lại với nhau. Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng phải nhìn nhận, người được uy tín lại không vì cái chung; người sẵn sàng vì cái chung thì những người khác không tín nhiệm, làm gì cũng không được; trong khi đó, người hội tụ được hai tiêu chí trên thì lại không giỏi về chuyên môn lữ hành… Điều này khiến nhiều năm, lữ hành Huế vẫn “án binh, bất động”.

Trao đổi với một giám đốc lữ hành được đánh giá có uy tín, đủ khả năng kêu gọi sự đoàn kết trong doanh nghiệp, đã giữ chức Chủ tịch Chi hội Lữ hành trong khoảng thời gian 1 năm, vị này thẳng thắn chia sẻ, công việc của công ty quá nhiều, lại có định hướng mở rộng chi nhánh sang các thị trường trọng điểm của công ty, thời gian đi nước ngoài đến 6 tháng trong 1 năm. Không có thời gian, bỏ bê công việc chung nên đành xin rút lui.

Ông Đinh Mạnh Thắng cho hay, với sự cạnh tranh về điểm đến đang trở nên gay gắt, nếu không sớm "vực dậy", Huế sẽ còn bị động hơn trong việc thu hút khách du lịch. Nhìn ở nhiều địa phương khác, khi lữ hành mạnh, điểm đến sẽ thu hút rất nhiều khách. “Đó là lý do mà qua nhiều cuộc họp gần đây, Hiệp hội Du lịch phải mời Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đảm nhiệm vai trò kết nối các doanh nghiệp", ông Thắng nói.

Vì cái chung

Một số doanh nghiệp cho hay, hội ngành nghề là diễn đàn của doanh nghiệp, do doanh nghiệp lập ra và điều hành hoạt động của hội. Cơ quan quản  lý Nhà nước chỉ theo dõi, định hướng hoạt động và điều chỉnh để hội hoạt động đúng khuôn khổ. Do vậy, khi lãnh đạo ngành làm Chủ tịch Chi hội Lữ hành sẽ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, sẽ làm mất tính năng động của hội.

Ông Đinh Mạnh Thắng giải thích, Chi hội Lữ hành đã thành lập được 3 năm, nhưng những người từng đảm nhiệm Chủ tịch Chi hội chưa phát huy tốt vai trò đầu tàu. Ở nhiều địa phương khác, khi doanh nghiệp không thể đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong hội ngành nghề, vẫn lấy những người đang đương nhiệm ở cơ quan quản lý Nhà nước có chuyên môn sang. Khi đó, rất thuận lợi kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ công việc hiệu quả, nhất là trong công tác xúc tiến quảng du lịch. Khi quảng bá, hiệp hội sẽ đi riêng, cơ quan Nhà nước đi riêng. Nay cả hai cùng kết hợp sẽ có nguồn kinh phí lớn hơn để quảng bá được ở các thị trường phải tốn nhiều kinh phí, như ở châu Âu chẳng hạn.

Vấn đề đặt ra, liệu sẽ có việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, ông Đinh Mạnh Thắng khẳng định, việc này hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Để đảm bảo tính khách quan, sẽ có cơ chế giám sát. Chọn Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch là bởi người này có uy tín trong doanh nghiệp, sẽ vì lợi ích chung.

Bài, ảnh: Quang Sang