Tép không chỉ có ở Huế mình. Thế nhưng, ở cái xứ sở mà cả ruộng đồng, ao hồ, sông phá... đều đủ cả thì Thừa Thiên đích thị là một trong những nơi “cắt rốn chôn nhau” của con tép. Bắt được ở trên đồng ruộng như ở quê tôi là cánh đồng Dạ Lê gọi là tép đồng. Khai thác từ vùng đầm phá nước lợ, lại có danh xưng tép bầu. Lại nữa có loại ở biển nhìn chẳng khác chi con tép đồng thân quen thì gọi là con khuyết. Trong cuộc sống hằng ngày, khinh nhau nói như chửi vào mặt nhau bằng cụm từ nghe rát cả lổ tai “đồ con tép riu”, không kìm được cơn giận có khi đấm vỡ mặt nhau như chơi. Và chỉ là con tép riu thế mà tôi nhớ mãi, nó như một hoài niệm khó quên, là tuổi thơ, là một thời của đồng quê lam lũ.
 
Loanh quanh chuyện tép mới sực nhớ, thôi đúng rồi vào thời điểm này khi mùa mưa về, trời lạnh nhưng chưa đến nỗi lạnh gắt là mùa của tép chẹp. Nói “tép chẹp” đơn giản là nói cách bắt tép bằng chẹp. Xưa khi mùa lụt đi qua, nước trên các cánh đồng Thanh Thủy, Dạ Lê, Lang Xá…bắt đầu rút cũng là lúc người ta đổ xô ra đồng, đặt lừ, cắm câu… bắt cá và đặt chẹp bắt tôm, bắt tép. Cái chẹp được cấu tạo theo nguyên tắc chui vào thì được mà ra lại chịu. Chẹp tôm có thể đan bằng tre, còn chẹp tép là loại lưới mùng. Buổi chiều tối đem chẹp đặt ở chân ruộng có nước rút, buổi sáng ngủ dậy dở chẹp, tha hồ là thứ tép tươi rói nhảy lóc bóc. Còn có thể bắt tép bằng nhiều cách khác như cất rớ hay dủi (có nơi gọi là đi rui hay đi rủi). Đi dủi bắt tép phải lội đồng, đông về lạnh cóng chân. Cất rớ tép thì lại công phu. Phải chuẩn bị mồi là loại cám rang thơm, giã thật nhỏ rồi xác vào ít thính để nhử tép. Cất cớ ở những con hói nhỏ hay thửa ruộng có nước vừa phải. Hàng chục cái rớ nhỏ đặt hàng dài theo quy trình cất xong một lượt lại quay lại cái rớ đầu tiên.
 
Con tép đi dủi bắt được nằm lẫn lộn các loại cá cấn, cá mại, thậm chí có cả rong rêu, lại to nhỏ lẫn lộn nên phải lượm, phải rửa mà vẫn là loại thức ăn lộn xộn. Con tép cất rớ ít bị lẩn tạp ngon hơn nhưng hấp dẫn nhất vẫn là con tép chẹp. Nó là con tép của mùa cánh đồng ngập nước, thức ăn đầy đồng và tha hồ tung tẩy nên thịt chắc, vị ngọt và giòn hơn con tép quanh năm quanh quẩn nơi chốn ao tù. Ngó vậy mà con tép cho ta đủ việc. Phòng xa cho mùa đông, người ta phơi khô thành món tép khô, khi mưa gió về chợ búa vắng vẻ, đem kho hay rang cũng tạm xơi hết dăm ba chém cơm một bữa. Rồi cũng từ tép là các món ăn nơi lũy tre làng: nào mắm tép, nào gỏi tép trộn đu đủ, nào bánh lọc, bánh xèo nhân tép... Xưa đó là món ăn quê dân dã, nay không ít món ăn chế biến từ con tép riu kia đã trở thành đặc sản ở các nhà hàng, khách sạn.
 
Còn tôi, thèm nhất vẫn là món tép chẹp xào ném của mẹ. Mớ tép mua về tươi sống hãy còn nhảy lách tách. Sau khi cho vào nước và rửa sạch rồi để ráo, tép được cho vào chảo có dầu ăn hoặc mỡ nóng. Xào vài phút thì thêm gia vị vừa ăn, cho ném vào, nhỏ lửa đến khi con tép từ màu trắng đã chuyển sang màu hồng nhạt là chín. Nói qua một tý về cây ném. Nó thuộc loại hành tỏi được trồng nhiều ở vùng đồi ven Huế. Lá và củ ném có chứa nhiều hợp chất sát khuẩn nên có thể chữa trị được ho hay cảm cúm. Mùi tinh dầu ném khá hôi, mới ăn khó chịu, nhưng ăn quen, ăn riết sẽ nghiện lúc mô không biết. Món tép chẹp xào ném này kẹp thêm loại rau sống là cải sen (xanh non) được dùng để ăn với cơm nóng là ngon tuyệt. Cả nhà ai vô phước ngồi cạnh nồi cơm thì chỉ có… đọa.
 
Trong một ngày đông ngoài kia dầm dề mưa rơi, nhớ con tép riu, nhớ về món tép chẹp xào, với tôi là nhớ về một Huế của một thời dân dã. Nó yêu thương và gần gũi lạ.
Đình Nam