Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ thực hiện của các dự án thuộc lĩnh vực này cho đến nay ngoại trừ chương trình việc làm và dạy nghề mới đạt 60%; chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giáo dục và đào tạo đạt 70% còn các chương trình MTQG khác như giảm nghèo bền vững, DS-KHHGĐ, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, HIV/AIDS đều đạt 80%; các chương trình MTQG về văn hoá, phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý đạt từ 85% đến 90%.

Tuy nhiên, khác với sự đánh giá tương đối khả quan về tiến độ thực hiện, việc giải ngân các nguồn vốn cho các dự án này lại đang tiến triển chậm. Cập nhật mới nhất từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tính đến tháng 11 vừa qua, chỉ có 4 chương MTQG có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% (chương trình phòng chống ma tuý đạt cao nhất:88,4%; chương trình giảm nghèo bền vững 84,5%, chương trình văn hoá 81,5% và chương trình phòng chống tội phạm 79,2%); Các chương trình khác có tỷ lệ giải ngân theo thứ tự là DS-KHHGĐ 66,1% , y tế 57,1%, vệ sinh an toàn thực phẩm 51%, HIV/AIDS 45,8%, việc làm và dạy nghề 44,3% và giáo dục đào tạo 37,2%.
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Cường - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, sở dĩ có tình trạng này là do các chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến công tác lập dự án, chuẩn bị đầu tư, đó là chưa kể đến một số ngành đã quen với cách làm theo kiểu hành chính sự nghiệp. Vì thế nên có nhiều dự án đến tháng 9/2013 mới phê duyệt xong. Việc triển khai chậm kéo theo việc giải ngân chậm. Điều cơ bản và quan trọng hơn mà chúng tôi muốn đề cập ở đây là áp lực của việc giải ngân chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Đối với một số dự án khác, việc triển khai các gói mua sắm thiết bị vào cuối năm sẽ được quyết định nhanh chóng mà không có sự lựa chọn thiết bị công nghệ hoặc thiết bị công nghệ được trang bị không phù hợp với nhu cầu sử dụng. Không còn là cảnh báo mà việc các thiết bị mua sắm mới được lưu kho rồi xuống cấp dần theo thời gian là điều đã xảy ra trong thực tế, nhất là ở phạm vi các chương trình dạy nghề.
 
Những con số trên cho thấy, việc lập dự án và quan tâm đến công tác chỉ đạo đầu tư đã thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành là chủ đầu tư trên nhiều khía cạnh. Dựa trên điều kiện và tình hình thực tế, việc xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các dự án, hoặc các điều kiện cho dự án là điều nên đi trước một bước để không chỉ đón được cơ hội mà còn có sự tác động trở lại đối với tiến độ, chất lượng, hiệu quả công trình cũng như hiệu ứng của việc sử dụng trang thiết bị.
 
Tính chủ động này được thể hiện rất rõ ở các dự án thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế với tiến độ công trình thực hiện đạt 85% kế hoạch và khối lượng giải ngân đạt 82% ở 13 công trình được trùng tu, tu bổ trong năm 2013. Khẳng định các công trình này sẽ hoàn thành và hoàn thành trước kế hoạch năm, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm còn cho hay, hiện các dự án bảo tồn, trùng tu thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã sẵn sàng, chỉ còn đợi triển khai và đầu năm 2014 sẽ khởi công một loạt công trình.
Hạnh Nhi