Rừng Altansumber ở Mông Cổ. Ảnh: FAO
Cụ thể, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hiệp quốc (FAO) và các đối tác ngày 20/7 đã triển khai giai đoạn thứ 2 của một quan hệ đối tác quốc tế thành công, nhằm hỗ trợ các tổ chức sản xuất rừng và nông nghiệp trên khắp khu vực châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.
Chương trình Hỗ trợ trồng rừng và trang trại (FFF) là một sáng kiến được bắt đầu vào năm 2013, như một cách để giúp các nhóm phụ nữ nông thôn, các cộng đồng địa phương và các tổ chức của người bản địa… tăng cường năng lực kỹ thuật và kinh doanh để chống lại biến đổi khí hậu, cũng như cải thiện an ninh lương thực.
Giai đoạn thứ 2 của sáng kiến này hiện đang được triển khai trong 5 năm tới trên khắp 25 quốc gia ở châu Á, châu Mỹ Latin và châu Phi. Giai đoạn này sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để tăng cường các tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất rừng và nông nghiệp. Nó cũng sẽ tăng cường tiếp cận thị trường, tài chính và đào tạo, trong đó tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như phụ nữ và thanh niên.
"Những nhóm này chiếm một tỷ lệ lớn người nghèo ở nông thôn và dựa vào nông nghiệp, rừng và hệ thống nông-lâm nghiệp để trồng thực phẩm và kiếm sống", ông Daniel Gustafson, Phó Tổng Giám đốc của FAO cho biết.
Sáng kiến này giúp tăng cường nỗ lực để những nhà sản xuất nông lâm nghiệp tăng cường doanh nghiệp và tạo cơ hội làm việc cho phụ nữ và thanh niên, đồng thời khuyến khích những chính sách tốt hơn để hỗ trợ người nghèo ở nông thôn.
Khoảng 1,5 tỷ nông dân trồng rừng và nông nghiệp chiếm tới 90% nông dân trên thế giới, cung cấp khoảng 80% nguồn cung cấp lương thực châu Á và vùng cận Sahara của châu Phi.
Thanh Ngân (Lược dịch từ UN News)