Trong buổi cơm thân mật với bạn bè hôm ấy, bọn trẻ rất ít nói tiếng Việt. Chị giải thích, để rèn ngoại ngữ cho con, anh chị phải đi học thêm tiếng Anh và tranh thủ đối thoại với con mọi nơi, mọi lúc.

Có điều kiện về kinh tế, với hướng đầu tư sâu ngay từ nhỏ, hai đứa con của chị đều đã lần lượt du học từ lớp 8, lớp 9 và cô con gái út dự kiến sẽ xuất ngoại sớm hơn cùng gia đình.

Bữa cơm hôm ấy, với thực đơn món Huế, bọn trẻ tỏ ra thích thú với đĩa vả trộn xúc bánh tráng và ruốc kho thịt. Trước sự tò mò của con, chị cố giải thích tên gọi và nguyên liệu chế biến. Một điều ngỡ như đơn giản lại hóa ra phức tạp, khi cô con út chuẩn bị vào lớp ba phải đánh vần tiếng Việt bập bẹ. Mãi học tiếng Anh, cháu hình như đã bị bỏ quên tiếng Việt.

Tôi có một người bạn, đang làm tiến sĩ ở nước ngoài. Để tiện việc học hành, đôi vợ chồng trẻ mang theo hai cô con gái đang tuổi mẫu giáo xuất ngoại.

Trong những lần trao đổi công việc, họ cho hay, dù vô cùng bận rộn nhưng tối nào cũng cố gắng dành thời gian để trò chuyện và dạy con tiếng mẹ đẻ. “Nếu không kiên trì, các cháu sẽ quên mất tiếng Việt. Mà như vậy là mất gốc”-họ lý giải.

Rõ ràng, trong xu thế hội nhập, ngoại ngữ- đặc biệt là tiếng Anh- là công cụ, phương tiện không thể thiếu cho cơ hội việc làm, thăng tiến, thành đạt… Ngày nay, xu hướng du học sớm cũng là sự lựa chọn được học sinh và phụ huynh ưa chuộng. Từ đó, trẻ được đầu tư ngoại ngữ ngay từ bé, khi còn học mẫu giáo, trong môi trường đào tạo quốc tế.

Một phụ huynh có con đang theo học trường quốc tế ở TP.Hồ Chí Minh (năm nay chuẩn bị vào lớp 1) bày tỏ: Tiếng Anh thì không lo nhưng thật sự vất vả với các môn tiếng Việt. Cháu cứ lẫn lộn từ này với từ kia…

Tôi cứ hình dung, trong những gia đình ấy, đến thế hệ thứ ba, không khéo họ sẽ khó khăn trong việc diễn đạt bằng ngôn ngữ của dân tộc mình.

Nhật Nguyên