Sinh thời ông là người nổi tiếng về tài năng diễn thuyết, trong các buổi giảng bài, phổ biến chủ trương của Đảng, quân đội hay chỉ là cuộc nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở các địa phương hoặc ngoài mặt trận, để người nghe chăm chú và thêm hứng khởi Nguyễn Chí Thanh thường viện dẫn nhiều ví dụ cụ thể, đôi lúc dùng ca dao tục ngữ, nhiều trích đoạn các bài tấu nói và cả văn thơ, hò Huế… Trong những năm tháng gian khổ của dân tộc, chỗ nào ông xuất hiện thì đều gây được niềm tin, để lại những ấn tượng tốt đẹp về phong cách hành xử cũng như lối nói chuyện: những kiến giải của ông rất cụ thể, dễ hiểu và xúc động. Ngoài “chức phận” một cán bộ lãnh đạo chính trị cao cấp của Đảng và quân đội, ông còn là một nhà báo có bút lực dồi dào, viết nhiều bài xuất sắc cho nhiều tờ báo lớn như: Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tạp chí Học tập, Quân Giải phóng, Nội san Tuyên huấn, Tạp chí Văn hóa…với những bút danh: Sáu Di, Trường Sơn, Người Quan Sát, D.400, S.K.Z, Tr.S… Và có lẽ trong một đời hoạt động cách mạng không ai viết “thư tình” cho người vợ yêu quý của mình nhiều như Tướng Nguyễn Chí Thanh, hiện gia đình của ông đang lưu giữ gần 150 bức!
 
 
Ngoài những sở trường đã trở thành sự nghiệp cả đời ông vẫn hiện hữu trong chúng ta, ít ai biết ông còn một “sở đoản”, đó là làm thơ.
 
Thi thoảng Đại tướng của chúng ta “ngẫu hứng” làm thơ. Theo ông Nguyễn Trung Chính, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, người gọi Nguyễn Chí Thanh bằng anh con bác ruột, thì Đại tướng làm thơ không nhiều (ông Chính bảo: nhiều người nói thơ anh Thanh không hay lắm. Thơ tuyên truyền. Cười!) mà đa phần đã bị thất lạc. Vừa qua, trong lúc sưu tầm tư liệu báo chí xuất bản ở Huế, chúng tôi đã tìm được một bài thơ của ông.
 
Bài thơ này in trên báo Tay thợ, Cơ quan tuyên truyền tranh đấu của công nhân Trung Bộ, số báo đặc biệt kỷ niệm 1 năm ngày đất nước độc lập (2/9/46), Bí thư Xứ ủy Nguyễn Chí Thanh gửi bài thơ với ngôn từ mộc mạc nhưng lại “chứa nhiều chất thép” để Tặng thợ thuyền lao động Việt Nam.
 
Nhân kỷ niệm 100 ngày sinh của ông (1/1/1914 – 1/1/2014), với một tình cảm trân trọng và tự hào về người con kiệt xuất của quê hương cách mạng Thừa Thiên Huế và Việt Nam, xin được giới thiệu một trong số ít bài thơ này của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
 
Ai thắng nổi những bàn tay gân guốc ấy,
 
Một khi nó đã vươn mình trỗi dậy,
 
Như ngọn triều tiền phong xô đẩy
 
Cả muôn làn tung tóe bắn lên cao.
 
Người xứng đáng những đàn con yêu nước;
 
Người đã làm sự mệnh một tiền quân;
 
Ôi oanh liệt!
 
Đoàn công nhân Việt Nam,
 
Một lòng thôi! chỉ biết tôn thờ,
 
Tổ quốc thân yêu với một ngọn cờ,
 
Chiến thắng đã tô bằng máu đỏ.
 
Thác đổ! thác đổ! như thác đổ.
 
Từ Nam phương xuôi gió,
 
Vượt biên thành sang tới tận Ba Lê.
 
Người mang đi những hy vọng tràn trề,
 
Rồi từ đó tên người trong quốc tế;
 
Cần lao đã ngồi bàn chễm chệ,
 
Ngồi phân phô, toan tính chuyện hơn, thua.
 
Ai đã thắng? Chính đây người đã thắng!
 
Ai sẽ thắng? Ngày mai người sẽ thắng!
 
Tổ quốc phải quang vinh!
 
Thế giới phải hòa bình!
 
Dân chủ sẽ trường sinh!
 
Phát xít, hả! mạt lộ!
 
Những lát búa từ tay ta cứ bổ,
 
Cho tan hoang chế độ bất bình,
 
Máu muôn đời đun luyện chí bình sinh,
 
Mau chiếm lấy một ngày mai đồ sộ!
 
5/8/46
 
Nguyễn Chí Thanh”
Dương Phước Thu (sưu tầm, giới thiệu)