Thời gian gần đây, khi có bất cứ sự kiện gì nổi lên thì trên mạng xã hội, những bài viết, bình luận cũng theo đà bung ra theo cấp số nhân. Có thể bắt đầu bằng một bài viết, phát ngôn nào đó theo hướng ủng hộ hoặc phản đối. Từ đây bắt đầu xuất hiện những bình luận (comment) theo kiểu đồng thuận, hưởng ứng xu thế nào đó. Tâm lý học gọi đây là hiệu ứng xã hội hay hiệu ứng đám đông. Nội dung tích cực, khách quan được nhiều người bình luận, chia sẻ tích cực là chuyện bình thường. Nhưng đáng tiếc có nhiều nội dung cảm giác như hằn học, tức giận, căm thù cũng coi mạng xã hội như là nơi...  xả stress. Xin nêu 2 sự kiện vừa mới diễn ra.

 Sự kiện thứ nhất là xung quanh điểm thi tại Kỳ thi THPT Quốc gia. Khi vụ việc sửa điểm tiêu cực, vi phạm quy chế thi xảy ra tại Hà Giang, Sơn La thì bung ra quá nhiều bình luận. Ai cũng biết đó là việc nghiêm trọng, không thể chấp nhận khi mà những người vi phạm lại là những nhà giáo, cán bộ làm công tác quản lý giáo dục. Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố hình sự, bắt giam một số người và chắc chắn con số sẽ tăng thêm. Dư luận xã hội cũng dành cho “sự kiện” này với sự quan tâm đặc biệt. Đa phần lên án hành vi gian dối vừa ảnh hưởng đến đạo đức, vừa ảnh hưởng đến nền giáo dục đất nước và tương lai của thế hệ trẻ. Những người có lương tâm không thể chấp nhận với hành vi gian dối đó dù bất cứ lý do gì. Nói như vậy để thấy được dư luận xã hội lên án quyết liệt là lẽ đương nhiên. Thế nhưng cũng phải có cách nhìn khách quan, phân biệt mức độ nghiêm trọng trong mối quan hệ chung của giáo dục. Một điều chắc chắn ngành giáo dục cũng không chấp nhận cho hiện tượng chạy điểm, sửa điểm trong các kỳ thi, nhất là kỳ thi Quốc gia “hai trong một”. Trên mạng xã hội xuất hiện quá nhiều bình luận, chia sẻ có tính cực đoan, phê phán, lên án một chiều với những chỉ trích không chuẩn mực. Từ một vài bài viết ban đầu đã tạo ra con sóng chế nhạo, đả kích, nhận định tràn lan trên mạng. Nhiều người cho rằng, lâu nay trong thi cử đều là tiêu cực, “là mảng tối đến nay mới được bóc trần”, “tham nhũng tràn vào thi cử”, “cơ chế của một thể chế đen tối”, “đồng tiền chi phối đểm thi”... Một số người gán cho hiện tượng cục bộ này diễn ra ở khắp 63 tỉnh,  thành phố trong cả nước như một “thảm họa”… Nghiêm trọng hơn, có người còn muốn kích động bãi khóa, biểu tình trong giới trẻ. Chúng tôi không bênh vực cho vi phạm này nhưng cho đến nay cơ quan điều tra đang vào cuộc, chưa có kết luận cuối cùng thì những người ngoài cuộc không nên (không được) có những phát ngôn nhận định thiếu khách quan, suy diễn quá mức.

Sự kiện thứ hai là đêm 23/7/2018 xảy ra sự cố vỡ đập ở tỉnh Attapue của nước Lào, thì sáng sớm hôm sau một trang mạng đã đưa tin với clip nước chảy cuồn cuộn kéo theo nhiều nhà cửa, ô tô và đồ dùng. Trang mạng đó khẳng định đây là hình ảnh mới nhất về sự cố vỡ đập mới xảy ra ít giờ. Hàng loạt bình luận nói về việc này như là một thảm họa. Thực ra, clip đưa lên là cảnh sóng thần ở Nhật Bản xảy ra cách đây mấy năm vì thực tế ở Nam Lào làm gì có nhà cửa, xe cộ như vậy. Rồi người ta đưa ra dự báo thời gian rất ngắn nước sẽ tràn về Việt Nam, nhấn chìm đồng bằng Nam bộ, gây ra thảm họa cho cả Việt Nam là không tránh khỏi. Chỉ đến khi những thông tin chính thống đưa lên truyền hình cùng với những hoạt động cứu trợ, nguyên nhân vỡ đập, người ta mới bớt đưa tin giật gân. Sự việc tang thương, đau lòng như vậy mà người ta còn dám tung ra để “đùa cho vui” thì thật là quá quắt .

Đây chỉ mới là một vài “đề tài” còn nóng hổi. Lâu nay, những sự việc tương tự và kiểu a dua phụ họa theo dạng như trên diễn ra thường xuyên. Dù là mạng ảo nhưng cũng không thể vì vậy mà nói bừa, nói ẩu kiểu bạt mạng. A dua phụ họa chuyện đời, chuyện xã hội đến chuyện phát ngôn chống đối là rất gần. A dua kiểu đó coi chừng phải tỉnh táo, không khéo lại “dính” vào vi phạm pháp luật.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH