ClockChủ Nhật, 20/05/2018 14:00

Công cụ văn minh vào tay kẻ xấu

TTH - Mạng xã hội mà điển hình là Facebook là một công cụ văn minh đang mang lại cho con người rất nhiều lợi ích. Nhưng khi công cụ lợi hại đó vào tay kẻ xấu thì nó cũng đang gây ra không ít phiền toái, thậm chí tổn thất nặng nề cho bao người. Dường như, bất cứ ai cũng đều có thể là nạn nhân của nó.

Facebook triển khai tính năng lọc tin tức giả mạoMạng xã hội Facebook bất ngờ bị sập

Có nhiều mạng xã hội (Facebook, Twitter, Yahoo, Instagram, MySpace, Zalo.…), nhưng người Việt Nam chủ yếu sử dụng Facebook. Dù vừa trải qua một khủng hoảng nghiêm trọng (rò rỉ thông tin người sử dụng), nhưng Facebook vẫn thống trị truyền thông xã hội toàn cầu.

Ai cũng có thể là nạn nhân

Vào tháng 6/2015, một nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai bị bạn trai tung clip sex lên mạng. Chỉ trong hai ngày, có gần 300.000 người xem, 18.000 likes, 4.000 lượt share, hàng ngàn bình luận, vừa mắng nhiếc vừa đùa cợt. Hai hôm sau, cô bé đã uống thuốc tự tử. “Một động tác đưa cái clip lên mạng chưa làm cho cô bé chết, nó chỉ buộc cô vào một cái cọc, nhưng hàng chục ngàn người xem và chuyền tay nhau, mỗi người đã góp một viên đá để ném cô tới chết”. Đó là nhận định của TS. Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng - một nhà bình luận xã hội đã lên tiếng mạnh mẽ về tình trạng “ném đá trên mạng” và cũng là nạn nhân của chính tệ nạn đó.

Cái tên Đặng Hoàng Giang bắt đầu được nhiều người biết đến khi ông trả lời phỏng vấn của báo Lao Động tháng 3/2014, hay nói một cách chính xác hơn là sau khi bài báo đó được đưa lên mạng Facebook. Những lời chửi rủa cay độc, tục tĩu thậm tệ, đến mức dù là một người rất bản lĩnh, một “bác sĩ” của những nạn nhân trên mạng, ông Giang cũng phải “đóng face”, để lánh nạn. Hai năm sau (2016), trước tình trạng “đâm chém, ném đá” trên mạng diễn ra đến mức báo động, TS. Đặng Hoàng Giang đã “tuyên chiến” với “căn bệnh xã hội” này bằng một loạt bài phân tích rất thấu tình đạt lý. Ông gọi đó là hội chứng “làm nhục mua vui và tàn nhẫn giải khuây” của những “anh hùng bàn phím”, “đầu gấu trên mạng”, chuyên tự cho mình cái quyền “đi tuần trên mạng” và mừng rú lên khi phát hiện cái sai của bất kỳ ai đó. Họ ra tay “nghĩa hiệp” bằng cách lôi cổ kẻ đó ra giữa mạng để luận tội và kéo theo một đám đông ném đá một cách vô tội vạ.

78% người dùng mạng xã hội tại Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của những phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Đó là kết quả của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) của Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội, công bố hồi tháng 4/2017. TS. Phạm Hải Chung, đồng Trưởng ban internet và truyền thông của chương trình này, cho hay phát ngôn gây thù ghét lan tràn dưới nhiều hình thức, nhưng nhiều nhất là phỉ báng và bịa đặt thông tin. Chính vị tiến sĩ này cũng là một nạn nhân của những phát ngôn gây thù ghét do một bài báo có quan điểm khác biệt với nhiều người.

Mặc cho những lời cảnh tỉnh nghiêm khắc, thậm chí luật pháp cũng đã xử phạt tù giam, thì tình trạng chửi bới vì “thấy ghét”, dựng chuyện để vu khống, bịa đặt để trả thù trên mạng xã hội vẫn tiếp diễn như “vi trùng kháng thuốc”. Việc làm tội lỗi đó trên mạng xã hội hiện nay dễ dàng như thể muốn là làm được. Vì vậy, ai cũng có thể trở thành nạn nhân của thứ công cụ văn minh trong tay người xấu.

Phác đồ điều trị?

Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội cũng đã thu thập câu trả lời về biện pháp mà người dùng mạng giải quyết khi trở thành nạn nhân của phát ngôn gây thù ghét. Các biện pháp lần lượt là: yêu cầu đối tượng đưa tin sai tự gỡ bỏ; yêu cầu cải chính, xin lỗi theo luật định; yêu cầu Facebook gỡ bỏ; yêu cầu cơ quan Nhà nước bảo vệ; khởi kiện ra tòa... Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết nạn nhân gần như bất lực. Cách duy nhất có thể làm là yêu cầu gỡ thông tin sai trái, nhưng họ không chịu gỡ thì đành im lặng cho “cơn bão mạng” qua đi mà thôi!

Diễn biến của “căn bệnh xã hội” này cho thấy không thể điều trị nó chỉ bằng một loại “thuốc đặc trị”, mà phải kết hợp nhiều loại thuốc, theo một phác đồ đồng bộ, với nỗ lực từ nhiều phía. Đầu tiên là Nhà nước dùng luật pháp để kiểm soát hành vi của công dân trên mạng xã hội và thực thi luật pháp thật nghiêm. Căn cứ pháp lý để điều chỉnh hành vi này hiện có trong các bộ luật hình sự, dân sự và các nghị định về việc sử dụng internet, mạng xã hội... Tuy nhiên, việc kiểm soát diễn biến của “xã hội ảo” này không phải là dễ, vì vậy rất cần sự tâm huyết của người thực thi. Nếu quyết tâm thì sẽ kiểm soát được!

Theo TS. Đặng Hoàng Giang, ngoài luật pháp thì còn phải có các biện pháp đồng bộ như: văn hóa của người sử dụng mạng, cộng đồng mạng; giáo dục trong trường học và cộng đồng xã hội. Giáo dục là chìa khoá giúp người sử dụng mạng chọn lọc thông tin, tôn trọng ý kiến khác biệt của người khác. Bản thân nạn nhân cũng cần dũng cảm đối đầu để bác bỏ thông tin vu khống, và bày tỏ sự thái độ không run sợ đám đông trên mạng.

Để chống lại cái xấu, cái ác, không chỉ pháp luật mà phải cần sức đề kháng của mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng. Nhưng chỉ nỗ lực của Nhà nước và người dân thôi chưa đủ, cần phải đòi hỏi trách nhiệm của đơn vị sáng lập, quản lý, điều hành Facebook và các công ty cung ứng dịch vụ liên quan. Hiện các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội đều cho rằng họ không hoàn toàn chịu trách nhiệm về những phát ngôn thù ghét trên mạng xã hội. Facebook cũng vừa công bố quy tắc kiểm duyệt nội dung, bao gồm nội dung được và không được phép, cũng như kháng nghị từ người dùng, nhưng việc xoá bỏ những thông tin vi phạm quy định đó rất chậm, khi mà nó đã hoàn thành mục đích.

Cao Hoàng Nam, điều phối viên chương trình VPIS, đề nghị: "Đã đến lúc phải buộc các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc hạn chế những phát ngôn thù ghét, để người dùng mạng Việt Nam có môi trường an toàn và công bằng hơn".

Mỗi người lên mạng cần có nghĩa vụ không share (chia sẻ) hay comment (bình luận) một cách vô trách nhiệm những gì mình chỉ mới nghe mà chưa hiểu. Nếu không có điều kiện để đưa ra quan điểm, thì nên im lặng!

TS. Đặng Hoàng Giang

DƯƠNG XUÂN TỬ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trả giá vì livestream làm nhục người khác để đòi nợ

Ngày 23/5, Tòa án Nhân dân TP. Huế đưa ra xét xử vụ án “Làm nhục người khác” đối với 3 bị cáo Trần Thị N. Y. (SN 1983, trú phường Phú Bài, TX. Hương Thủy), Võ Thị K. T. (SN 1988, trú phường Tây Lộc, TP. Huế) và Mai Thị Q. T. (SN 1978, trú phường Vĩ Dạ, TP. Huế).

Trả giá vì livestream làm nhục người khác để đòi nợ
Không đưa thông tin sai lệch lên mạng xã hội dù chỉ là hài hước

Theo số liệu về công tác giám sát tỷ lệ thông tin trên báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 4/2024, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên báo chí là 19,03%, tăng 0,92% so với tháng trước (giảm 7,69% so với cùng kỳ). Tỷ lệ thông tin tích cực trên báo chí là 60,23%, giảm 2,17% so với tháng trước (giảm 2,48% so với cùng kỳ).

Không đưa thông tin sai lệch lên mạng xã hội dù chỉ là hài hước
Cảnh báo lập giả trang mạng xã hội để kêu gọi từ thiện

Ngày 11/4, cơ quan chức năng huyện Quảng Điền phát đi thông tin cảnh báo: Có một số kẻ xấu lập giả các trang mạng xã hội (MXH) tương tự các trang đã có từ lâu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện để kêu gọi từ thiện nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cảnh báo lập giả trang mạng xã hội để kêu gọi từ thiện
Return to top