Với sự góp mặt của đại diện các trường: ĐHSP Huế, CĐSP Huế và Khoa Giáo dục mầm non – CĐSP Huế cùng các giáo viên mầm non, phụ huynh có con nhỏ, buổi tọa đàm đã bàn cách tiếp cận với những phương pháp giáo dục trẻ mầm non tiên tiến hiện nay; bước đầu xây dựng diễn đàn chính thống, khoa học về việc nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục con trẻ - nơi phụ huynh có thể trao đổi, chia sẻ mọi vấn đề liên quan với sự tham vấn của các nhà sư phạm và chuyên gia nghiên cứu tâm lý trẻ thơ.
Nguyên Trưởng khoa giáo dục mầm non (CĐSP Huế) nêu quan điểm tại buổi tọa đàm
“Giáo dục mầm non hậu hiện đại chú trọng sự tương tác, chủ động của trẻ, giúp trẻ bộc lộ các vùng phát triển tiềm năng. Đồng thời, hướng trẻ đến với sự tự chủ, sáng tạo, hoàn thiện các kỹ năng và kiến thức để bảo vệ chính mình, môi trường sống xung quanh và đóng góp cho xã hội”. TS. Trần Thị Thanh Bình cho biết.
Theo tìm hiểu, mô hình giáo dục mầm non Te Whariki của New Zealand - xây dựng và áp dụng hơn 20 năm qua và hiệu quả trong việc kết hợp các phương pháp giáo dục tích cực, phù hợp với nhu cầu thực tại và có định hướng lâu dài.
Ở Việt Nam nói chung, Huế nói riêng, để chương trình này được nhân rộng cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, của cộng đồng – nhất là phải biết áp dụng linh hoạt, phù hợp với không gian văn hóa, kinh tế - xã hội của mỗi vùng miền, cũng như trong nhận thức của giáo viên, phụ huynh ở việc giáo dục trẻ.
Tin, ảnh: Lê Trang