Thực ra trên thửa đất rộng, trước đây chỉ có một ngôi nhà của gia đình. Sau này, anh trai cả có vợ con, sinh sống ở TP. Đà Nẵng. Tôi lập nghiệp và định cư luôn ở TP. Huế. Khi cô út lấy chồng, ba mẹ chúng tôi cho vợ chồng nó xây dựng nhà luôn trong khu vườn. Vậy là thửa đất có hai ngôi nhà, nhưng chưa bao giờ có ranh giới. Em gái tôi rất yêu chó mèo, nuôi những mấy “đứa”. Những lúc được cho tự do, bọn chúng thi nhau chạy nhảy, phá phách. Trong lúc ba mẹ tôi tuổi đã già, chỉ muốn yên tĩnh, mọi thứ trật tự, ngăn nắp. Vậy nên mới có “màn” canh giữ này.

Tôi buột miệng: “Dựng lên cái bờ rào, làm cái cổng bằng tre nứa. Mỗi lần đi qua đi lại xong đóng cổng lại. Làm vậy bọn chúng hết đường sang phá phách, khỏi phải ngày nào cũng mất công đứng cản thế này”. Em gái tôi: “Có lần em cũng đưa ra ý kiến như vậy, nhưng không ngờ ba mẹ phản ứng gay gắt, nên thôi luôn. Ba mẹ bảo đừng bao giờ nghĩ đến cái hàng rào dựng lên trên thửa đất này, bởi dù chỉ bằng vật liệu tre nứa, nhưng vẫn là hình ảnh của sự ngăn cách. Ý nguyện của ba mẹ là giữ cho con, cho cháu sự vẹn nguyên…”.

Bỗng dưng, ùa về trong trí nhớ của tôi cách đây mấy chục năm về trước. Hồi đó, ba mẹ tôi mua thửa đất này với diện tích hơn một ngàn mét vuông, dựng nhà, làm vườn trồng đủ loại từ mít, ổi, cam, chanh, hồ tiêu…, đến rau muống, rau lang, rau cải, bầu, bí… Mỗi buổi chiều, ba mẹ tôi không xới đất thì un vồng. Dù còn nhỏ nhưng ba anh em tôi vẫn được giao nhiệm vụ, đứa kéo chiếc gàu nước múc từ giếng sâu, đứa khệ nệ bê từng thau nước đi tưới rau, tưới tiêu. Vườn rộng nên hôm nào cả nhà cũng lúi húi với nhau đến sẩm tối mới xong việc. Cho nên mỗi ngày ngoài các bữa cơm, những buổi làm vườn là lúc cha mẹ con cái anh em cùng quây quần, tình thân càng thêm gắn bó.

Ba mẹ tôi là giáo viên, ăn gạo sổ, thực phẩm mua theo tem phiếu. Thời kinh tế khó khăn, mọi tiêu chuẩn đều “èo uột”, nhưng bởi có vườn rau trái nên nguồn vitamin không bao giờ thiếu. Tuổi thơ của anh em tôi ngào ngạt mùi mít chín cây, đầy ắp kỷ niệm đi học về là “tót” lên cây ổi vặt trái chín; những lời mắng yêu của bà nội “cha tổ bây, chưa ăn cơm mà đã ăn ổi rồi đầy bụng thì mần răng”. Sau này, vườn ổi, mít nhà tôi gãy trụi bởi cơn bão lớn. Bà nội “trăm tuổi”. Ba mẹ tôi sức khỏe ngày càng yếu. Anh em chúng tôi mỗi đứa một phương, bị cuốn theo bởi những lo toan cơm áo, không ít lần mệt mỏi. Thế nhưng lòng tôi lại bình yên mỗi khi về với ba mẹ, về với mảnh đất đã lưu giữ tuổi thơ ngọt ngào tình yêu thương, thuận hòa. Vậy mà chúng tôi đã có phút giây nghĩ suy nông cạn… 

Tôi hiểu và lòng đầy biết ơn, vì ba mẹ đã và đang giữ cho các con vẹn nguyên bình yên đó.

Quỳnh Anh