Lâu nay, những khó khăn và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp được hiểu một cách chung chung. Nó là hệ quả của suy thoái kinh tế toàn cầu hay là hệ lụy của tình trạng tăng trưởng “nóng” của nền kinh tế quốc gia trong hội nhập và phát triển. Thực tế, đối với các địa phương hay từng doanh nghiệp, bên cạnh khó khăn chung là những yếu kém mang tính riêng lẻ. Trong rất nhiều trường hợp, đó còn là những bất hợp lý trong cơ chế chính sách khiến cho các doanh nghiệp đã khó lại càng khó khăn hơn.

Kênh đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử tỉnh mở ra trước hết là để nhận diện khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp phản ánh tình hình, bày tỏ tâm tư nguyện vọng và có những đề xuất cụ thể. Lãnh đạo tỉnh nắm bắt, phân tích tình hình, thấy rõ khó khăn và ách tắc, để rồi điều cần thiết phải làm là có những điều chỉnh kịp thời trong lãnh chỉ đạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi.

Trong 10 tháng đầu năm 2013, tỉnh Thừa Thiên Huế có tổng số doanh nghiệp đăng ký gia nhập thị trường là 576 doanh nghiệp, một con số không nhỏ. Thực tế cho thấy, cái mà doanh nghiệp địa phương đang cần và đang thiếu là rất nhiều. Đó là còn rất nhiều thủ tục hành chính bất hợp lý gây cản trở cho hoạt động đăng ký kinh doanh; là sự tiếp cận các nguồn tài chính phù hợp vẫn gặp khó. Hơn thế nữa, là vấn đề nâng cao năng lực, hỗ trợ pháp lý và tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp.

Chỉ 5 doanh nghiệp là Bia Huế, Xi măng Luks, Dệt may Huế, Sợi Phú Nam, thủy điện A Lưới, thủy điện miền Trung trong 10 tháng đầu năm 2013 đã nộp ngân sách được 1.147 tỷ đồng, trong đó Bia Huế nộp 1.046 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Rõ ràng, hứa hẹn và cam kết từ kênh đối thoại “Trao đổi và tháo gỡ”, được xem là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, phải được kiểm chứng thực tế. Sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhiều doanh nghiệp phục hồi và có mức tăng trưởng cao. Niềm tin đã được tạo dựng.

Đan Duy