Đại diện các nước thành viên của CAJ tham dự diễn đàn. Ảnh: Thaipbs

Theo đó, các nhà báo và tổ chức truyền thông trong khu vực cho rằng cần chung tay chia sẻ những kinh nghiệm cũng như những phương cách tốt nhất để đối phó với hậu quả tai hại mà tin tức giả mạo tạo ra, như sự hỗn loạn, cảm giác thù địch hay thậm chí bạo lực trong nhiều xã hội.

Đầu tuần này, trong diễn đàn “Làm thế nào để ASEAN có thể chống lại nạn tin giả”  do Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ) tổ chức tại Bangkok cho các phương tiện truyền thông chính thống, đại diện truyền thông các nước tham dự đã chỉ rõ những ảnh hưởng mà tin tức giả mạo và không chính xác đang gây ra đối với mọi tầng lớp xã hội. Ở Singapore, không ít người bị lừa đảo bởi những thông tin sai lệch về thực phẩm và sức khỏe, và trong nhiều trường hợp nghiêm trọng hơn, đó là sự truyền bá tin tức giả mạo có hệ thống. Ở một số nước ASEAN khác, sự hiểu nhầm và hỗn loạn có thể xuất phát từ những bức ảnh đã bị chỉnh sửa và sai lệch hoàn toàn. Và ở những nước vốn có sự chia rẽ chính trị nghiêm trọng hoặc xung đột tôn giáo, tin tức giả mạo luôn có khả năng gây ra những cuộc đối đầu với những hậu quả nghiêm trọng.

Theo CAJ, để hạn chế tác động của vấn nạn này, người dân cần có nhận thức cao hơn, nhất là những người trong các cơ quan truyền thông, tổ chức dân sự và cơ quan nhà nước, song song với những nỗ lực phối hợp giữa các ban ngành để giáo dục xã hội. CAJ cũng nhấn mạnh rằng, việc tạo ra các xã hội thông tin và truyền thông có văn hoá là cách tiếp cận lâu dài và hiệu quả nhất để đối phó với nạn tin giả.

Quan trọng hơn, khi thách thức này không có ranh giới, các nhà báo và tổ chức truyền thông trong khu vực cần làm việc cùng nhau để chống lại nạn tin giả, thông qua việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm thực tiễn của mình.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ ANN & Thaipbs)