Biến đổi khí hậu khiến hàng trăm triệu người thiếu chất dinh dưỡng. Ảnh: Independent
Tờ Independent ngày 28/8 đưa tin, tình trạng khí Carbon dioxit ngày càng tăng trong bầu khí quyển có thể làm giảm giá trị dinh dưỡng có trong cây trồng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của hàng trăm triệu người dân trên toàn cầu khi tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là những người sống trong khu vực nghèo nhất thế giới.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng đến năm 2050, nhiều loại cây lương thực sẽ trở nên ít chất dinh dưỡng hơn nếu được nuôi trồng trong tình trạng mức khí Carbon dioxit cao đỉnh điểm, cùng lúc khiến tỷ lệ chất protein, sắt và kẽm giảm từ 3 – 17%.
Trước những thay đổi kể trên, các chuyên gia nhận định đến giữa thế kỷ này, ước tính sẽ có khoảng 175 triệu người sẽ bị thiếu kẽm. Trong khi đó hiện đang có khoảng 122 triệu người trên thế giới được xác nhận đang thiếu protein.
Ngoài ra, sẽ có khoảng 1,4 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và trẻ em dưới 5 tuổi buộc phải sống trong những khu vực thiếu thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu sắt trầm trọng.
Sau nhiều nghiên cứu về khả năng biến đổi của chất dinh dưỡng nếu hàm lượng Carbon dioxit ngày càng nhiều, giới chuyên gia cho biết, có thể sẽ có đến 151 quốc gia, đặc biệt là các nước trong khu vực Bắc Phi, Nam Á, Đông Nam Á và Trung Đông sẽ chịu tác động nặng nề nhất khi biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng trong thực phẩm.
Thêm vào đó, tính đến năm 2050, khoảng 50 triệu người dân ở châu Phi cận Sahara, Ấn Độ sẽ bị thiếu kẽm và 38 triệu người khác thiếu protein. Trong bối cảnh thu nhập quyết định số lượng và chất lượng thực phẩm, người dân sinh sống trong các khu vực nghèo nhất ở các nước này sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc.
Đan Lê (Lược dịch từ Independent)