Chính phủ các nước cần đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em tị nạn. Ảnh: Daily Star
Cụ thể, Cao uỷ Liên Hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) chỉ ra rằng hiện đang có khoảng 4 triệu trẻ em tị nạn trên toàn cầu không được đi học, tăng 500.000 người so với năm 2017.
Tuyên bố làm dấy lên lo ngại khi hầu hết các lãnh đạo của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Filippo Grandi – người đứng đầu UNHCR khẳng định giáo dục là một trong những biện pháp tốt nhất để chữa lành mọi nỗi đau của trẻ em. Đồng thời đây cũng là cách để tái thiết lập nhà nước.
Một khi chính phủ các nước không nhanh chóng thực hiện các biện pháp khẩn cấp để giải quyết vấn nạn này, có thể sẽ có thêm hàng trăm ngàn trẻ em tiếp tục phải chịu cảnh mù chữ.
Cũng theo UNHCR, tính đến cuối năm 2017 ước tính có khoảng 20 triệu người tị nạn trên thế giới. Trong đó hơn ½ là trẻ em và có đến 7,4 triệu người đang trong độ tuổi đi học. Tuy nhiên, số lượng trẻ em theo học các trường tiểu học chỉ chiếm 61%.
Ngoài ra, số liệu biểu thị số lượng thiếu niên tị nạn nhập học tại các trường trung học thậm chí còn thấp hơn, tương đương với việc cứ 4 thiếu niên tị nạn chỉ có 1 em được đến trường. Số sinh viên đại học là người tị nạn cũng chỉ chiếm 1% số lượng sinh viên toàn cầu.
Hậu quả trước mắt có thể thấy được là tỷ lệ trẻ em gái không được đi học và phải kết hôn sớm tăng cao đột biến, tình trạng lạm dụng, bóc lột sức lao động của trẻ cũng xảy ra nhiều hơn.
Để giải quyết vấn đề này, Cao uỷ Liên Hiệp quốc về người tị nạn cho rằng những người tị nạn nên đăng ký theo học tại trường công thay vì các trường theo đuổi chương trình giáo dục đặc biệt. Thêm vào đó các rào cản về thủ tục như giấy tờ tùy thân cũng nên được đơn giản hóa hoặc loại bỏ.
Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)