Một vụ thử hạt nhân được thực hiện trên một hòn đảo ở Polynesia thuộc Pháp vào năm 1971. Ảnh: UN
"Lịch sử thử nghiệm hạt nhân là một trong những nỗi đau lớn, với nạn nhân của hơn 2.000 cuộc thử nghiệm hạt nhân thường đến từ các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới, cùng những hậu quả không giới hạn bởi biên giới - bao gồm các tác động đến môi trường, sức khỏe, an ninh lương thực và phát triển kinh tế", Tổng thư ký LHQ Guterres nhấn mạnh.
Liên Hiệp quốc đang nỗ lực để đưa Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT) trở thành luật. Hiệp ước này sẽ cấm các vụ thử hạt nhân ở mọi nơi - cho dù trên bề mặt Trái đất, trong khí quyển, dưới nước hay dưới lòng đất.
CTBT cũng sẽ ngăn cản các nước muốn phát triển bom hạt nhân lần đầu tiên và ngăn chặn các quốc gia đã sở hữu công nghệ hạt nhân phát triển loại bom này mạnh hơn nữa.
Hơn 180 quốc gia đã ký hiệp ước, hầu hết trong đó cũng đã phê chuẩn hiệp ước. Tuy nhiên, hiệp ước sẽ chỉ có hiệu lực sau khi được ký kết và phê chuẩn bởi 8 quốc gia có năng lực công nghệ hạt nhân là Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Israel, Bắc Triều Tiên, Pakistan và Hoa Kỳ.
"Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện có vai trò thiết yếu trong chế độ giải trừ vũ khí hạt nhân và chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân", lãnh đạo LHQ cho biết. “Nó thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế bằng cách hạn chế sự phát triển vũ khí hạt nhân. Do đó, yêu cầu an ninh chung là mọi nỗ lực phải được thực hiện để đưa hiệp ước thiết yếu này đi đi vào hiệu lực. ”
Bảo Nghi (Lược dịch từ UN News)