Đằng thằng mà tính toán, KCN Phú Đa có rất nhiều lợi thế. Chẳng hạn về vị trí, KCN này chỉ cách Quốc lộ 1A và Sân bay Quốc tế Phú Bài khoảng 6 cây số, cách Ga Đường sắt Hương Thủy 10 cây số, nằm cạnh Tỉnh lộ 10A và 10C, cách Cảng Chân Mây 35 cây số và cảng Thuận An chỉ 10 cây số. Ở một địa phương như Thừa Thiên Huế thường xuyên bị ảnh hưởng lũ lụt, KCN Phú Đa lại có khả năng “miễn dịch” lớn bởi vị trí đất cao, có cốt bình quân là 4,5 m; có điều kiện thuận lợi để mở rộng quỹ đất. Vậy nhưng, còn nhớ mấy năm trước gặp một đồng chí lãnh đạo địa phương, hỏi vì sao Phú Đa cứ vắng lặng mãi thế, thì nhận được cái lắc đầu, các doanh nghiệp ngại lắm, trong nhiều cái thiếu có một cái thiếu lãng xẹt (!) là một cây cầu vững chắc.
Thật ra, cũng đã có một chiếc cầu Phú Thứ qua sông Đại Giang. Do được xây dựng cách nay đã hàng chục năm dưới thời bao cấp, với mục tiêu đặt ra là đáp ứng nhu cầu thông thương, đi lại, nên cầu Phú Thứ có tải trọng chỉ dưới 10 tấn. Được biết, tải trọng trung bình của một xe công-ten-nơ chở nguyên liệu hàng hóa hiện nay đã là 18 -20 tấn. Thế là xin... lắc đầu. Gần đây, một doanh nghiệp dệt may triển khai đầu tư một cơ sở may lớn có khả năng thu hút trên ngàn công nhân đã tính đến chuyện thực hiện hình thức tăng-bo hàng hóa và nguyên liệu qua cầu Phú Thứ. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp mang tình thế. Lâu dài, gắn với sự phát triển nhanh và bền vững, Phú Vang nói chung và KCN Phú Đa nói riêng cần có một chiếc cầu hiện đại và đi kèm theo là sự phát triển tương thích của hệ thống đường sá. Nếu không các yếu tố thuận lợi, như gần sân bay, gần Quốc lộ 1A, gần bến cảng… đều trở nên vô nghĩa.
Câu chuyện về chiếc cầu bắc qua sông Đại Giang đặt ra vấn đề đáng suy nghĩ về việc thiếu một tầm nhìn xa trông rộng trong đầu tư phát triển của một thời đã qua. Nó dẫn đến nhiều hệ lụy đáng buồn, trong đó có việc phải phá đi làm lại rất tốn kém và lãng phí khi mà giá trị sử dụng đang còn. Đáng nói là những đầu tư đại loại thế vẫn đang tồn tại trong bối cảnh hội nhập và phát triển hôm nay.