Ảnh minh họa: Daily Read List

Cụ thể, Ủy ban toàn cầu về kinh tế và khí hậu (GCEC) với sự tham gia của cựu các nhà lãnh đạo cấp cao, các nhà lãnh đạo kinh doanh và các nhà kinh tế khẳng định tăng trưởng xanh là động lực chưa từng có giúp thế giới ngày càng hướng đến tương lai xanh, cùng lúc thúc đẩy cơ hội việc làm và phát triển nền kinh tế các nước.

Một khi chuỗi các hoạt động tăng trưởng xanh được triển khai có hiệu quả, dự kiến từ nay đến năm 2030, thế giới sẽ có thêm 26 nghìn tỷ USD lợi nhuận ròng, cao hơn nhiều so với khoản lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh trong thời điểm hiện tại.

Nghiên cứu chỉ rõ, đầu tư thông minh hơn vào năng lượng sạch, phát triển thành phố, thực phẩm sạch, vấn đề sử dụng đất, nước và công nghiệp có thể tạo nên 65 triệu việc làm mới vào năm 2030. Đạt được mục tiêu này, thế giới sẽ có một lực lượng lao động dồi dào, tương đương với tổng số lượng lao động của Ai Cập và Anh cộng lại.

Thêm vào đó, chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch như năng lượng gió và năng lượng mặt trời cũng hỗ trợ giảm thiểu 700.000 ca tử vong sớm do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí vào năm 2030.

Nhằm đảm bảo tối đa chất lượng sức khỏe của người dân trên toàn thế giới, các nhà nghiên cứu kêu gọi tăng mức giá khí thải Carbon dioxit lên thành 40 – 80USD/tấn vào năm 2020. Với các chính sách đúng đắn về cải cách trợ cấp cho ngành năng lượng, cùng với giá Carbon dioxit cao hơn, doanh thu của các nước trên thế giới vào năm 2030 dự kiến sẽ tăng thêm 2,8 nghìn tỷ USD.

Phát biểu trước báo giới, Cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon, Chủ tịch danh dự của GCEC nhấn mạnh: “Đây chính là bản tuyên ngôn cho cách chúng ta có thể biến tương lai thế giới với đà tăng trưởng tốt hơn và khí hậu tốt hơn thành hiện thực".

Đan Lê (Lược dịch từ Reuters)