ASEAN cần nỗ lực nắm bắt cơ hội phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ảnh: World Economic Forum

Theo nhận định của Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende và Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF Justin Wood, xét về riêng lẻ, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có sức ảnh hưởng rất ít trên toàn cầu. Tuy nhiên về cục diện chung, ASEAN đại diện cho 10% dân số thế giới và đóng góp gần 5% GDP toàn cầu. Trong thời điểm các cường quốc lớn và xu hướng toàn cầu đang định hình lại môi trường khu vực, cách duy nhất để các quốc gia ASEAN nâng cao lợi ích của mình là hợp tác hành động có hiệu quả.

Tính đến thời điểm hiện tại, ASEAN đã trải qua giai đoạn phát triển ấn tượng trong vòng 5 thập kỷ qua. Từ một khu vực luôn phải đối mặt với nhiều xung đột, kém phát triển của những năm 1960, nay ASEAN đã trở thành một trong những khu vực hòa bình nhất và tương đối thành công về mặt kinh tế.

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu đang ở trong giai đoạn biến đổi sâu sắc, cán cân kinh tế toàn cầu đang tiếp tục nghiêng về phía các thị trường mới nổi. Tận dụng những cơ hội này, các nước ASEAN cần nỗ lực tạo ra một cơ hội mới và xây dựng chỗ đứng vững chắc hơn trên trường quốc tế. Lúc này, các nước ASEAN cần xem xét đẩy mạnh phát triển theo xu hướng cánh mạng công nghiệp lần thứ tư như: áp dụng công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo, y học tiên tiến và sử dụng các biện pháp quản lý tự trị mới.

Đầu tiên, khu vực cần xem xét tương lai của việc làm. Hiện nay, dân số trong độ tuổi lao động của khối đang chứng kiến đà tăng trưởng 11.000 người/ngày và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này trong vòng 15 năm tới. Trong bối cảnh việc làm đang dần bị thay thế bởi công nghệ tự động hoặc trí tuệ nhân tạo, từ đó gây ra nhiều áp lực cho hệ thống thuế dựa vào thu nhập của lao động và ngân sách quốc gia, các nước ASEAN cần mở rộng đầu tư vào công tác tái đào tạo năng lực cho lực lượng lao động và đảm bảo tính cạnh tranh của lao động truyền thống.

Ngoài ra, cũng cần xem xét tương lai của sản xuất. Đối với ASEAN, sự chuyển dịch từ chuỗi cung ứng toàn cầu sang sản xuất theo quy mô nhỏ hơn do tác động của công nghệ cao và robot công nghiệp giá rẻ có thể tác động nghiêm trọng đến doanh thu xuất khẩu và giá trị đầu tư của khu vực.

Trước những thay đổi dồn dập, điều quan trọng lúc này là ASEAN cần đẩy mạnh phát triển cộng đồng. Về khía cạnh kinh tế, khả năng phục hồi của khu vực có thể có thể được củng cố bằng cách xây dựng thị trường đơn lẻ chính thống. Thực hiện đầy đủ nội dung cam kết của Cộng đồng kinh tế ASEAN,  khu vực sẽ có điều kiện phát triển bền vững. Với một thị trường mạnh mẽ, ASEAN hoàn toàn có thể quản lý vận mệnh kinh tế của riêng mình và sẽ cách ly tốt hơn đối với những cú sốc của chủ nghĩa bảo hộ. Đặc biệt, tăng cường an ninh chính trị cũng không kém phần quan trọng. Khi tình hình chính trị toàn cầu đang có nhiều biến đổi, ASEAN cần tạo tiếng nói trên trường quốc tế để từ đó dễ dàng yêu cầu sự hỗ trợ từ các nước khác.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc cải cách để phát triển, diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) sẽ chính thức được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 11-13/9 để nắm bắt cơ hội và tìm cách giải quyết thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cho ASEAN.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ MM Times)