Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) (bên phải ảnh) và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thủ đô Hà Nội ngày 12/9. Ảnh: AFP

Thủ tướng Singapore cho rằng, thế giới đang đứng trước "cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", đang thay đổi cách con người và các doanh nghiệp hoạt động. Việc phát triển các sáng kiến ​​mới để chuẩn bị cho nền kinh tế trong tương lai chính là con đường phía trước, bởi những đột phá về công nghệ chắc chắn sẽ trở nên nhanh hơn và thậm chí còn tiên tiến hơn.

Qua đó, ông Lý Hiển Long tin tưởng, các quốc gia thành viên ASEAN có thể tận dụng những cơ hội có được từ môi trường mới này. ASEAN sẽ có thể củng cố vị thế của mình, cũng như đối phó với những thách thức trong tương lai.

Cụ thể, ASEAN sở hữu nền tảng cơ bản mạnh mẽ, khối khu vực sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới đến năm 2030, sau Mỹ, Trung Quốc và EU. Tiếp đó, 60% trong tổng số 630 triệu dân của ASEAN dưới 35 tuổi, lực lượng lao động trẻ và có học vấn tự tin trước những công nghệ mới.

Ngoài ra, nền kinh tế kỹ thuật số được dự đoán sẽ tăng lên 200 tỷ USD đến năm 2025; ASEAN cũng cam kết hội nhập kinh tế hơn nữa, một "điều kiện quan trọng" cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cũng theo Thủ tướng Singapore, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một "quá trình năng động và liên tục", không thể dự đoán chính xác nó sẽ diễn ra như thế nào, nhưng tương lai của ASEAN rất lạc quan, bởi ASEAN có những thế mạnh cạnh tranh riêng. Bằng cách kết hợp các ý tưởng, nguồn lực và hội nhập các nền kinh tế, khối khu vực sẽ nắm giữ một vị thế vững chắc để mang lại lợi ích hữu hình cho các nền kinh tế thành viên và người dân.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ CNA & Straits Times)