Ở Huế có nhà nghiên cứu dày công sưu tầm và nghiên cứu những hiện vật trầm tích ở sông Hương, rất đáng trân trọng vì ý tưởng độc đáo. Tôi lại có một ý tưởng, chỉ dừng ở mức ý tưởng, rằng nơi ông Táo “an dưỡng”, ở đó có cung cấp thông tin về văn hóa lịch sử làng cổ hay không ? Một năm ông Táo được an vị trên trang thờ, rất ấm cúng và no đủ, thỉnh thoảng chú mèo, o chuột rượt đuổi trốn tìm làm ông Táo ngã sấp nhưng cũng chóng được gia chủ dựng dậy với những lời khấn tạ lỗi… Một năm ông Táo chứng kiến bao chuyện đời thường của một gia đình. Nào chuyện áo cơm, tình nghĩa vợ chồng, tình làng nghĩa xóm, nào bệnh nào tật, nào chuyện “thuở đời ngài” tức là “cổ tích”… Ông Táo ngồi trên trang thờ im lặng không nói nhưng chăm chú lắng nghe, quan sát, khi được mùa người nhà vui vẻ bên bếp lửa nồng, hạnh phúc sáng bừng trên những khuôn mặt, trên những nồi cơm gạo mới hay trên trách cá kho rim; khi hạn hán mất mùa với những khuôn mặt âu lo bên bếp lửa gầy với những củ khoai nướng bẻ ba bẻ bốn hay củ sắn lùi bẻ bốn bẻ ba… tất tần tật biết bao chuyện buồn vui ông Táo đều chứng kiến hết. Để rồi đúng tối 23 tháng Chạp, ông lại lên đường, được gia chủ tiễn đưa bằng một bữa tiệc và hồn ông lên trời báo cáo tình hình hạ giới nhưng xác ông lại ra gốc đa đầu làng hay gốc sanh sân đình hoặc gốc bàng ở miếu khai canh. Như thế gốc đa, gốc sanh, gốc bàng ở những nơi tôn nghiêm của làng là nơi an dưỡng của những ông Táo vậy. Tính cộng đồng làng xóm cũng được phản ánh qua cộng đồng ông Táo ở gốc cổ thụ chốn tôn nghiêm.

Nơi an dưỡng của ông Táo

Có dịp về những làng cổ, ngoài đình chùa miếu vũ, giếng nước bến sông, mả mồ bệ thờ, mốc đá am thiêng,… còn có những gốc cổ thụ hằng trăm năm tuổi, ở đó có những rễ cây ôm ắp chở che những hiện vật đá thần, rất nhiều ông Táo đất với nhiều “phong cách biểu đạt”. Phải chăng những di vật đất nung mộc mạc đơn sơ mà “thuở đời ngài” từng tạo tác, từng sử dụng, từng bảo tồn ở gốc cổ thụ ở những làng cổ sẽ cung cấp cho những nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử những thông tin bất ngờ thú vị. Tiếc rằng, nạn buôn bán cổ thụ đang diễn ra chóng mặt, đang xâm thực nơi an dưỡng ông Táo các làng cổ nước ta, phá vỡ nét đẹp của cảnh quan làng cổ, làm biến mất những di vật di chứng cần cho việc nghiên cứu văn hóa lịch sử nước nhà.

Tĩnh Như