Bác sĩ thử máu kiểm tra bệnh sốt rét cho một em bé. Ảnh: DW

Đầu năm 2018, Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Bệnh sốt rét đã dành hơn 240 triệu USD trong hơn 3 năm để loại trừ căn bệnh sốt rét kháng thuốc gây chết người này trong khu vực. Và các quốc gia ở đây hiện chiếm hơn 50% tổng ngân sách đầu tư để kiểm soát bệnh sốt rét, ông Benjamin Rolfe, Giám đốc điều hành Liên minh chống bệnh sốt rét ở châu Á - Thái Bình Dương (APLMA) cho biết.

Theo ông Stephen Groff, Phó chủ tịch ADB khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, “nhiều quốc gia trong khu vực lâu nay vẫn phụ thuộc vào các nguồn quỹ tài trợ trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, thách thức đặt ra hiện nay là nhiều quốc gia trong khu vực, với sự thành công trong tăng trưởng kinh tế, về cơ bản đang vượt ngoài tầm tài trợ của các quỹ này. Do đó, đến năm 2020, dự đoán nhiều quốc gia sẽ có rất ít hoặc thậm chí không có quyền tiếp cận các nguồn tài trợ đó để giúp chống lại các loại bệnh truyền nhiễm nói trên”. Trước tình hình đó, các nước trong khu vực cần sớm tiếp cận được với nguồn tài trợ khác bên ngoài cho các bệnh truyền nhiễm như sốt rét và bệnh lao.

Để giúp lấp đầy khoảng trống tài chính này, ADB đã tham gia vào các cuộc thảo luận với Quỹ Toàn cầu để thiết lập một quỹ y tế khu vực trị giá 150 triệu USD. Điểm thuận lợi của ADB là có thể tài trợ cho các hệ thống y tế theo cách mà Quỹ Toàn cầu và các tổ chức khác trong lịch sử không được thực hiện, ông Rolfe cho hay.

APLMA cũng tranh thủ sự giúp đỡ của khu vực tư nhân thông qua việc ra mắt M2030. Sáng kiến ​​này hướng đến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng khả năng hiển thị thương hiệu, ảnh hưởng và tài chính của họ để duy trì mối quan tâm chính trị và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sốt rét trong vòng 5 năm tới.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ NCBI)