Không rõ ràng như các xứ lạnh miền hàn đới, nhưng Huế mình cũng có một mùa đông thật dài. Nó được tính bằng con số những trận lụt, trận bão và những đợt lạnh trôi đến từ phương xa, có khi kéo tới thật bất ngờ. Mưa và rét, như một thứ đặc sản dành riêng cho Thừa Thiên. Hàng tháng trời, lắm lúc công việc chỉ quẩnh quanh ở việc dọn dẹp nhà cửa với cái điệp khúc làm nản lòng người: chờ lụt - đón lụt - tiễn lụt. Còn đi về những vùng thấp trũng ở Quảng Điền, Phú Vang và cả Hương Thủy, Phong Điền nữa, nhìn ra những cánh đồng thấy một màu nước mênh mông.

Chờ đợi và nhàn nhã, vậy nhưng rồi khi tháng Chạp bước sang và ngày Tết cận kề cũng là lúc nông dân xứ Huế lại bận rộn trong nỗi lo âu. Nửa đêm tỉnh giấc, nghe tiếng gió về và tiếng mưa rơi lộp độp trên mái hiên nhà là lo đến trằn trọc, không ngủ được cho đến tận sáng. Bây giờ hiếm lắm mới có cảnh “nhổ mạ cấy lúa” chứ xưa kia, mưa nặng hạt khiến cho đám ruộng xâm xấp nước lại ngập đầy nên không cắm được cây mạ xuống bùn khiến cho mạ già, mạ ôi và mùa vụ trễ nãi là sợ lắm. Mà lạ, người Huế mình dù chi chăng nữa cũng muốn mọi thứ công việc phải kết thúc trước ba mươi Tết. Mọi sự kéo dài vắt qua năm mới như cái gì đó bứt rứt, đứng ngồi không yên.

Vậy nên mới có cảnh một thời làm ăn hợp tác xã, ba bốn giờ sáng làng trên xóm người đã nghe tiếng mõ thúc giục nông dân thức dậy chuẩn bị cơm nước để tờ mờ sáng là vội vã ra đồng cấy lúa, nhổ mạ, làm đất. Trong cơn mưa có khi nặng hạt của một buổi sáng đông, oằn trĩu trên vai là đôi gánh mạ đi trên những con đê làng trơn trợt mới thấm thía nỗi nhọc nhằn để làm ra “hạt gạo làng ta”. Cái nỗi lo ngày giáp Tết do thế có nỗi sợ về những buổi sáng lạnh lẽo ra đồng vào lúc giáp Tết kia mà một thời ta duy ý chí quyết thể hiện sự vượt khó bằng những cách làm như thế.

Vẫn như xưa, còn đó ở Huế những trận mưa đông rả rích khi mùa vụ cập kề và cái Tết đang dần chạm ngõ. Chỉ có điều, con người bây giờ đã biết khắc chế bằng những tính toán về mùa vụ, cây giống và bằng cả sự áp dụng vào sản xuất trên đồng ruộng các loại máy móc làm vơi đi bao nỗi nhọc nhằn của kẻ nông phu. Bên cạnh những tốn kém phải bỏ ra mở đầu cho vụ lúa mới, người Huế cũng đã biết chọn giáp Tết là thời điểm thu hoạch cho các loại hoa và bao thứ cây trồng, vật nuôi. Đó là cách tạo nguồn thu, tạo nên sự ấm áp và no đủ cho ngày Tết nơi những làng quê, ngõ xóm rộn vui những tiếng cười.

Đình Nam