Rác được các bạn trẻ vớt lên từ sông Hương, đưa vào thùng trước khi đem đi xử lý. Ảnh: P. Thành

Họ là những người phương xa vì yêu Huế mà trở về với những dự án làm đẹp giàu cho Huế. Họ là một cô gái Huế nhỏ nhắn mà đầy năng động, mỗi ngày bơi trên sông Hương và quyết không thể “sống chung với rác”. Họ là những người du khách yêu Huế sẵn sàng gác lại công việc để bay từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội về Huế nhặt rác. Họ chọn một việc làm giản dị vậy thôi, nhặt rác để “Cảm ơn dòng Hương”.

Và không chỉ nhóm “Cảm ơn dòng Hương”, tôi còn biết một nhóm cựu nữ sinh Đồng Khánh lặng lẽ cùng nhau nhặt rác trên đường Lê Lợi - “Con đường đẹp nhất Huế” gắn liền với ngôi trường nữ trung học thơ mộng của họ. Tôi cũng biết có một vài nhóm thiện nguyện như thế, vẫn lặng lẽ làm cái việc giản đơn là đi lượm rác trên đường phố, vớt rác dưới sông Hương.

Việc giản đơn vậy thôi mà không nhiều người làm được! Trong khi đó, họ lại vô tư xả rác và cho rằng việc dọn rác là của công nhân vệ sinh. Họ xả rác như thể đó là quyền của họ, quyền được xả rác (!?). Chân dung người xả rác cũng đa dạng lắm. Từ trẻ con cho đến người lớn, người nghèo khó cho đến người giàu có, người nông thôn cho đến người thành thị, không phải người ít học mà cả người nhiều chữ... số đông vẫn xem việc xả rác nơi công cộng là việc bình thường. Đó là thói quen tồi tệ đã hình thành từ rất lâu, của cả cộng đồng, quen đến mức trở thành điều bình thường.

Người trẻ nhặt rác trên sông Hương, đoạn dưới chân cầu Trường Tiền. Ảnh: P. Thành

Có người nói Huế đã đẹp rồi, chỉ cần giữ cho sạch sẽ là đủ thu hút du khách thập phương. Đô thị nào ở Việt Nam giờ cũng đầy rác và việc dọn sạch thành phố gần như là một nhiệm vụ bất khả thi. Vì vậy, nếu Huế làm được việc đó, sẽ tạo cho mình một vẻ đẹp mới, một giá trị riêng. Đó là tăng trưởng xanh, một sự tăng trưởng ít phải trả giá đắt bằng suy thoái môi trường, hao tổn tài nguyên.

Một đô thị nhiều cao ốc và xe hơi đắt tiền, mà rác đầy trên đường, khói và bụi và còi xe inh ỏi, đó là đô thị trọc phú. Sạch là phẩm chất hàng đầu của hàng hóa hiện nay, và là đạo đức của con người văn minh. Sạch là chất lượng sống. Vì vậy, nếu chưa có nhiều tiền để xây dựng những công trình nguy nga tráng lệ, thì chỉ cần giữ cho thành phố thật sạch sẽ. Chỉ cần phố phường, công viên, sông ngòi sạch sẽ là dung nhan của Huế sẽ tỏa sáng.

Những ngày này, chính quyền tỉnh và TP. Huế đang triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng địa bàn sáng - xanh - sạch, với một kế hoạch đồng bộ và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở ban ngành, địa phương... Mỗi cơ quan, đơn vị tự làm sạch công sở của mình; mỗi doanh nghiệp, cửa hàng, mỗi hộ gia đình không chỉ làm sạch nhà mình mà góp thêm một chút làm sạch vỉa hè, đoạn đường trước nhà. Cứ như thế thì cả đường phố, cả khu phố, cả thành phố sẽ trở nên sạch sẽ.

Đây là việc cần phải làm mỗi ngày, nhưng về lâu dài là phải làm sao cho người dân không xả rác bừa bãi. Nếu có nhiều người dọn rác thì vẫn còn những người ỷ lại vào việc đó để tiếp tục xả rác. Đó là lý do ở Nhật Bản, Singapore người ta không đặt nhiều thùng rác trên đường phố. Buộc người dân phải mang rác đến bỏ đúng vào các điểm thu nhận rác, nếu không muốn bị phạt. Chính quyền nơi đó lý giải rằng, nếu muốn thu hết rác bằng cách đặt nhiều thùng rác, thì số thùng rác sẽ mỗi ngày mỗi nhiều hơn theo sự đòi hỏi tăng lên không ngừng của con người.

“Hỏi rằng rác xả từ đâu? Dạ thưa rác tự trong đầu xả ra”. Nhà thơ Nguyễn Duy đã nói thay cho nhiều người về “xuất xứ” của rác trong bài thơ “Gửi người nhặt rác sông Hương” mà ông vừa viết tặng vợ chồng ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - Nguyễn Trung Trực nhân ngày họ về Huế tham gia nhặt rác “Cảm ơn dòng Hương”. Vì vậy, theo nhà thơ: “Rác đời - nhặt khó gì đâu/ nhặt cho sạch rác trong đầu - khó hơn”.

Khó lắm, nhưng khi đã biết rác từ đâu ra thì sẽ biết cách ngăn chặn từ gốc!

MINH ĐĂNG