ClockThứ Năm, 20/09/2018 06:45

Chỉ cần sạch, Huế sẽ tỏa sáng!

TTH - Mấy tuần qua, Huế trở nên sôi động với những sự kiện thể thao, du lịch đua xe đạp, đua thuyền, chạy marathon quốc tế... Trong khi đó, có một sự kiện diễn ra trong lặng lẽ, nhưng rất đáng quan tâm. Đó là sự kiện nhặt rác “Cảm ơn dòng Hương” do một nhóm những người yêu Huế, yêu sông Hương, khởi xướng và thực hiện trong buổi sáng chủ nhật 26/8. Nó lặng lẽ nhưng lại phát đi một thông điệp rung động nhiều người: đừng để chúng tôi phải đi dọn rác do bạn xả xuống sông Hương!

Nhặt rác nói lời cảm ơn dòng HươngNhặt rác "Cảm ơn dòng Hương"“Cảm ơn dòng Hương”

Rác được các bạn trẻ vớt lên từ sông Hương, đưa vào thùng trước khi đem đi xử lý. Ảnh: P. Thành

Họ là những người phương xa vì yêu Huế mà trở về với những dự án làm đẹp giàu cho Huế. Họ là một cô gái Huế nhỏ nhắn mà đầy năng động, mỗi ngày bơi trên sông Hương và quyết không thể “sống chung với rác”. Họ là những người du khách yêu Huế sẵn sàng gác lại công việc để bay từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội về Huế nhặt rác. Họ chọn một việc làm giản dị vậy thôi, nhặt rác để “Cảm ơn dòng Hương”.

Và không chỉ nhóm “Cảm ơn dòng Hương”, tôi còn biết một nhóm cựu nữ sinh Đồng Khánh lặng lẽ cùng nhau nhặt rác trên đường Lê Lợi - “Con đường đẹp nhất Huế” gắn liền với ngôi trường nữ trung học thơ mộng của họ. Tôi cũng biết có một vài nhóm thiện nguyện như thế, vẫn lặng lẽ làm cái việc giản đơn là đi lượm rác trên đường phố, vớt rác dưới sông Hương.

Việc giản đơn vậy thôi mà không nhiều người làm được! Trong khi đó, họ lại vô tư xả rác và cho rằng việc dọn rác là của công nhân vệ sinh. Họ xả rác như thể đó là quyền của họ, quyền được xả rác (!?). Chân dung người xả rác cũng đa dạng lắm. Từ trẻ con cho đến người lớn, người nghèo khó cho đến người giàu có, người nông thôn cho đến người thành thị, không phải người ít học mà cả người nhiều chữ... số đông vẫn xem việc xả rác nơi công cộng là việc bình thường. Đó là thói quen tồi tệ đã hình thành từ rất lâu, của cả cộng đồng, quen đến mức trở thành điều bình thường.

Người trẻ nhặt rác trên sông Hương, đoạn dưới chân cầu Trường Tiền. Ảnh: P. Thành

Có người nói Huế đã đẹp rồi, chỉ cần giữ cho sạch sẽ là đủ thu hút du khách thập phương. Đô thị nào ở Việt Nam giờ cũng đầy rác và việc dọn sạch thành phố gần như là một nhiệm vụ bất khả thi. Vì vậy, nếu Huế làm được việc đó, sẽ tạo cho mình một vẻ đẹp mới, một giá trị riêng. Đó là tăng trưởng xanh, một sự tăng trưởng ít phải trả giá đắt bằng suy thoái môi trường, hao tổn tài nguyên.

Một đô thị nhiều cao ốc và xe hơi đắt tiền, mà rác đầy trên đường, khói và bụi và còi xe inh ỏi, đó là đô thị trọc phú. Sạch là phẩm chất hàng đầu của hàng hóa hiện nay, và là đạo đức của con người văn minh. Sạch là chất lượng sống. Vì vậy, nếu chưa có nhiều tiền để xây dựng những công trình nguy nga tráng lệ, thì chỉ cần giữ cho thành phố thật sạch sẽ. Chỉ cần phố phường, công viên, sông ngòi sạch sẽ là dung nhan của Huế sẽ tỏa sáng.

Những ngày này, chính quyền tỉnh và TP. Huế đang triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng địa bàn sáng - xanh - sạch, với một kế hoạch đồng bộ và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở ban ngành, địa phương... Mỗi cơ quan, đơn vị tự làm sạch công sở của mình; mỗi doanh nghiệp, cửa hàng, mỗi hộ gia đình không chỉ làm sạch nhà mình mà góp thêm một chút làm sạch vỉa hè, đoạn đường trước nhà. Cứ như thế thì cả đường phố, cả khu phố, cả thành phố sẽ trở nên sạch sẽ.

Đây là việc cần phải làm mỗi ngày, nhưng về lâu dài là phải làm sao cho người dân không xả rác bừa bãi. Nếu có nhiều người dọn rác thì vẫn còn những người ỷ lại vào việc đó để tiếp tục xả rác. Đó là lý do ở Nhật Bản, Singapore người ta không đặt nhiều thùng rác trên đường phố. Buộc người dân phải mang rác đến bỏ đúng vào các điểm thu nhận rác, nếu không muốn bị phạt. Chính quyền nơi đó lý giải rằng, nếu muốn thu hết rác bằng cách đặt nhiều thùng rác, thì số thùng rác sẽ mỗi ngày mỗi nhiều hơn theo sự đòi hỏi tăng lên không ngừng của con người.

“Hỏi rằng rác xả từ đâu? Dạ thưa rác tự trong đầu xả ra”. Nhà thơ Nguyễn Duy đã nói thay cho nhiều người về “xuất xứ” của rác trong bài thơ “Gửi người nhặt rác sông Hương” mà ông vừa viết tặng vợ chồng ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - Nguyễn Trung Trực nhân ngày họ về Huế tham gia nhặt rác “Cảm ơn dòng Hương”. Vì vậy, theo nhà thơ: “Rác đời - nhặt khó gì đâu/ nhặt cho sạch rác trong đầu - khó hơn”.

Khó lắm, nhưng khi đã biết rác từ đâu ra thì sẽ biết cách ngăn chặn từ gốc!

MINH ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phải được chấn chỉnh

Người xưa có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, ý khuyên mọi người phải ý tứ, phải biết học cách hành xử lịch sự, văn hóa, phải đạo với từng hành vi trong cuộc sống.

Phải được chấn chỉnh
Để nhặt rác là một loại phản xạ có điều kiện

Ngày 22/11 vừa qua, tại Nhật Bản đã diễn ra một sự kiện thể thao rất độc đáo và thú vị - Giải Vô địch thế giới về nhặt rác (Spogomi World Cup) với sự tham dự của 21 đội đến từ khắp nơi trên thế giới. Spogomi là từ kết hợp giữa “sport” (thể thao) và “gomi” (tiếng Nhật có nghĩa là rác). World Cup Spogomi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 với quy mô trong nước, nhằm khuyến khích mọi người dọn dẹp không gian công cộng.

Để nhặt rác là một loại phản xạ có điều kiện
Hương Thủy xây dựng tuyến phố văn minh đô thị

Ngày 9/12, nhiều địa phương trên địa bàn TX. Hương Thủy đồng loạt ra quân xây dựng tuyến phố đạt chuẩn văn minh đô thị giai đoạn 2023-2025, trong đó, P. Phú Bài được chọn làm điểm triển khai hoạt động này.

Hương Thủy xây dựng tuyến phố văn minh đô thị
Muốn biến chuyển, phải phạt!

Công tác tuyên truyền, giáo dục đã được tiến hành thường xuyên, liên tục, đa dạng. Thế nhưng, vi phạm vẫn cứ hoàn vi phạm. Ngẫm lại, trăm sự đều do…chưa phạt mà ra.

Muốn biến chuyển, phải phạt
Loại trừ nạn phóng uế bậy nơi công cộng

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, một việc nữa không thể không làm là phải tăng cường phát hiện, chế tài xử phạt thật nghiêm, thật nặng đối với bất kỳ ai thiếu ý thức, cố tình xâm hại môi trường công cộng.

Loại trừ nạn phóng uế bậy nơi công cộng
Return to top