Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.  Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhất là trong bối cảnh nhiều nguy cơ hiện hữu có thể làm mất đi những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải nhìn thẳng vào thực tế cuộc sống hiện nay đang có rất nhiều biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, đạo đức xã hội có nhiều biểu hiện xuống cấp và rất dễ có thể nhận thấy trong mọi lĩnh vực, hầu như ở mọi nơi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các ý kiến tập trung đánh giá về sức sống, sự tác động của những phong trào liên quan đến xây dựng đời sống văn hoá hiện nay, đặc biệt là của các danh hiệu văn hoá. “Phải chăng như đã đánh giá, nhiều phong trào, danh hiệu đã dần trở thành hành chính hoá, hình thức hoá. Chúng ta nhất thiết phải đổi mới không chỉ tiêu chí mà còn là cách đánh giá, cách thể hiện sao cho đơn giản, dễ hiểu và có chiều sâu”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Hội nghị cũng cần thẳng thắn chỉ ra những khó khăn vướng mắc từ xây dựng cơ sở, chính sách pháp luật cho đến cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể. Cùng với đó là vấn đề con người, nguồn lực, chế độ cho cán bộ làm công tác văn hoá ở cơ sở.

Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu từ cơ sở, từ các thành phần trong xã hội, bằng thực tiễn của mình sẽ đưa ra được ý kiến đóng góp rất cụ thể về phương hướng, giải pháp, đặc biệt là những vấn đề cần sửa ngay như các tiêu chí, quy định về xét tặng các danh hiệu gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá. Sau hội nghị này, tiếp thu các ý kiến, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định về xét tặng danh hiệu gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá để thực hiện trong thời gian tới.

Toàn cảnh tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: VGP

Qua 18 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đã có 19.064069/22.236778 gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”; 69.024/106.382 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố được công nhận; 84.785/114.972 cơ quan, đơn vị , doanh nghiệp văn hóa. Nhiều cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước, Chính phủ khen thưởng động viên kịp thời.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế. Ảnh: Thái Bình

Tại Thừa Thiên Huế, đến nay đã có 272.964 gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt 96,2%; trong đó, có 252.151 gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt 92,3% so với đăng ký. Toàn tỉnh có 463 câu lạc bộ gia đình văn hóa sinh hoạt thường xuyên.

Toàn tỉnh có 1.285 thôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng đời sống văn hóa, đạt 99,45%; trong đó, có 1.197 làng, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt 92% so với đăng ký.

Ở khối cơ quan, doanh nghiệp, đến nay toàn tỉnh có 1.266 cơ quan, đơn vị, trường học đăng ký, đạt 97,5%; có 1.165 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt 92% so với đăng ký.

Phong trào toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, đến nay, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên 300 ngàn người, đạt gần 29% dân số. Số gia đình thể thao đạt 47.500/263.000 gia đình, đạt tỷ lệ 18,6%; số câu lạc bộ thể dục thẻ thao đạt gần 600 câu lạc bộ; tỉ lệ cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt tỉ lệ 96%...

Hội nghị với sự tham dự của hơn 15.000 đại biểu từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cán bộ từ cơ sở, nhiều gương tiêu biểu, nhiều thành phần tập trung thảo luận các ý kiến đánh giá về sức sống, sự tác động của những phong trào liên quan đến xây dựng đời sống văn hoá hiện nay, nhất là của các danh hiệu văn hoá.

Thái Bình