Bầu trời Bắc Kinh mờ mịt vì khói bụi. Ảnh: AFP |
Các nhà nghiên cứu đưa ra con số trên thông qua việc tính toán chi phí xã hội của ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe cộng động và tác động lên năng suất cây trồng.
"Con số này khá cao và đáng chú ý vì nó bằng 0,7% GDP Trung Quốc", Steve Yim Hung-lam, phó giáo sư tại khoa địa lý và quản lý tài nguyên thuộc Đại học Trung Văn Hong Kong, nhận xét.
Đội nghiên cứu của Yim đã phân tích số liệu về ảnh hưởng của ô nhiễm ozone (O3) mặt đất và ô nhiễm bụi siêu vi (PM2.5) tới 6 khu vực của nền kinh tế, bao gồm công nghiệp, thương mại, dân sinh, nông nghiệp, điện lực, giao thông đường bộ cùng một số ngành khác.
Kết quả cho thấy hai yếu tố trên là nguyên nhân gây ra 1,1 triệu ca tử vong sớm mỗi năm ở Trung Quốc. Khoảng 20 triệu tấn gạo, lúa mỳ, ngô và đậu tương cũng bị thiệt hại vì tiếp xúc với ozone.
Báo cáo, đăng trên tạp chí khoa học Environmental Research Letters, được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang thực hiện hàng loạt biện pháp bảo vệ môi trường trong kế hoạch ba năm 2018 - 2020 nhằm "giành lại bầu trời xanh".
Yim đánh giá ozone là vấn đề lớn tiếp theo mà Trung Quốc phải xử lý và vấn đề này đang trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở một số khu vực, ví dụ như đồng bằng Châu Giang.
Theo kết quả khảo sát mới nhất do Mạng lưới Giám sát Chất lượng Không khí Khu vực được chính quyền Hong Kong, Macau và Quảng Đông bảo trợ công bố, nồng độ ozone trung bình ở những nơi này đã tăng 16% mỗi năm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 9/10 người trên toàn cầu phải hít thở không khí ô nhiễm và 7 triệu người chết mỗi năm vì tiếp xúc với bụi siêu vi. Mật độ bụi siêu vi PM2.5 ở các thành phố Trung Quốc là 48 microgram/ m3 không khí, gấp hơn hai lần mức trung bình thế giới.
Theo Vnexpress