Hành trình kiếm tìm

Hoa giấy Thanh Tiên. Ảnh: Hữu Tư

Thoáng ngạc nhiên và thích thú nhưng chúng tôi lại giật mình, bởi có thể, nhiều sản phẩm thủ công truyền thống đã mai một và việc phục dụng lại nó phải cần nhiều thời gian. Ý tưởng này khiến chúng tôi kiếm tìm tài liệu và lập nên một danh sách những sản phẩm thủ công cần có trong phiên chợ. 

Chúng tôi mỗi người mỗi hướng chạy đua cùng thời gian. Người tìm giấy dó cùng nghệ nhân Kỳ Hữu Phước thực hiện việc hồ điệp, pha chế màu tự nhiên,… lựa chọn và sắp xếp thành bộ những bức tranh làng Sình đạt chuẩn để trưng bày. Người lục tìm giấy ngũ sắc cùng gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Hoá (làng Thanh Tiên) phục dựng lại những cây hoa giấy đúng sắc màu truyền thống, kể cả loại bông lùng từ lâu đã vắng bóng, cây bông đũa nhuộm ngũ sắc làm từ xơ tre, lẫn cây dao tre dùng trong lễ cúng Bà bổn mạng đầu năm. Có thể nói rằng, một phần công việc xem như đã hoàn thành đúng “tiêu chí phục nguyên truyền thống”, bởi trước đó không lâu, chúng tôi từng tổ chức phục dựng lại quy trình làm tranh và hoa giấy ở hai ngôi làng này có ghi chép tư liệu và hình ảnh phục vụ việc nghiên cứu đầy đủ.
 
Cái khó bắt đầu xuất hiện khi tìm những người làm con bột, một thứ đồ chơi dân dã làm bằng bột lọc pha màu sắc, tạo hình thành các loài vật trâu, ngựa, voi, gà, vịt, hay nải chuối, buồng cau, mâm ngũ quả… và là quà vặt của trẻ con sau khi đã nướng chín trên bếp than hồng. Cuối cùng, qua lời chỉ dẫn, chúng tôi cũng đã tìm được một gia đình làm con bột ở làng Dương Nỗ (Phú Vang) sau nhiều lần thuyết phục, một lứa sản phẩm “bán không có lời” - theo như cách nói của họ đã thành hình. Bên cạnh đó, những cái lùng tung, con ve ve/vo vo bằng giấy bồi, con tu huýt bằng đất nung cũng dần xuất hiện trong một hành trình kiếm tìm gian nan không kém.
 

Trướng liễn làng Chuồn bây giờ đã không còn

 
Điểm nhấn của không gian trưng bày chính là các bộ trướng, liễn, đối làng Chuồn (An Truyền, Phú An, Phú Vang). Cố nghệ nhân Huỳnh Thiên Lý lúc đó đã nhận lời với chúng tôi sau nhiều lần trò chuyện. Đã lâu lắm ông không còn làm nghề bởi “những đứa con tinh thần của ông” hiện không còn là thú chơi ngày Tết của đại bộ phận dân cư. Ông cụ lại lọ mọ soạn bộ ván khắc, tự mình hoà lấy những sắc màu tự nhiên, bồi giấy, hồ điệp…, và thực hiện nhiều bộ trướng liễn có nội dung thưởng xuân, chơi tết, hay nhắc nhở việc giữ gìn gia phong. Với sắc màu rực rỡ và hoa văn tinh tế, những bộ trướng liễn này đã là một phần không thể thiếu trong phiên chợ Tết.
 
Vài ngày sau đó, cuộc điện thoại từ TP Hồ Chí Minh của người con đất Huế, nghệ nhân ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh về kết quả của việc “mang chuông đi đánh xứ người” - theo cách nói của bà đã khiến chúng tôi vỡ oà vui sướng. Trong khuôn viên của Trường đại học Dân lập Munchen (Cộng hoà Liên Bang Đức), phiên chợ tết Gia Lạc đã được phục dựng lại một cách hoàn chỉnh sau lời mời của Trung tâm Giao lưu Đức - Á. Sau đấy hơn một năm, với lời mời của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại Nantes (Cộng hoà Pháp), phiên chợ lần thứ hai được tổ chức trong buổi dạ tiệc cuối năm tại Le Lieu Unique.
 
Nếu biết khai thác hợp lý và thực tế
 
Sau một thời gian, bà Hoàng Anh cùng chúng tôi lại bắt tay vào việc kiếm tìm những sản phẩm thủ công truyền thống Huế nhằm phục dựng lại phiên chợ tết Gia Lạc ở TP Hồ Chí Minh. Nào ngờ khoảng thời gian gần 10 năm đã khiến nhiều thứ thay đổi. Sự ra đi của lão nghệ nhân Huỳnh Thiên Lý như đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của nghề trướng liễn làng Chuồn. Điều may mắn là chúng tôi đã kịp lưu giữ một bộ trướng liễn hoàn chỉnh làm tư liệu. Những gia đình làm lùng tung, con ve ve vùng quê Thế Lại đã không còn giữ nghiệp bởi sản phẩm của họ khó lòng bám trụ trước nhiều loại đồ chơi hiện đại; người làm con bột trước đây đã quá già và không thể giữ nghề… Công sức nhiều ngày lang thang khắp các chợ quê đã được đền đáp bằng địa chỉ của một gia đình làm có thể làm con bột ở Phú Bài, và một mệ già ở khu vực Bao Vinh còn giữ lại một số lùng tung, ve ve, kèn ếch đã làm từ năm trước. Dẫu rằng chất giấy đã phai màu cùng thời gian, nhưng giá trị của nó thì khó lòng có thể đong đếm.
 
Dưới bàn tay sắp đặt tinh tế của người con đất Huế - bà Hồ Thị Hoàng Anh, một lần nữa những sản phẩm thủ công truyền thống Huế lại xuất hiện đằm thắm và đầy ý nghĩa giữa trong một phiên chợ tết “rất Huế” giữa lòng một thành phố hiện đại. Góp mặt cùng những cây chông hoa giấy rực rỡ sắc màu, bộ tranh Sình, bộ trướng liễn Chuồn… là khay bánh bông cây của làng Phước Tích, chiếc lược dày chải chí, đôi guốc gỗ mức, bộ khuôn bánh in… Ngoài việc thưởng lãm, tìm hiểu và trải nghiệm văn hoá, khách đến phiên chợ còn ấm lòng với tách trà, chút mứt sen…, hay với tô bánh canh Nam Phổ, dĩa bánh nậm, bánh lọc, với lát bánh tét và chén rượu làng Chuồn cay nồng trong những ngày giáp tết.

Chợ tết Gia Lạc được phục dựng như một nét văn hoá rất riêng của Huế đã là tín hiệu vui, nhưng sẽ vui hơn nếu nó được phục dựng nguyên vẹn trong không gian ở Huế. Chúng tôi tin rằng, đấy sẽ là một trong nhiều phương cách quảng bá văn hoá và thu hút khách du lịch như nhận định của nghệ nhân ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh, người trực tiếp phục dựng ba phiên chợ Tết trong thời gian vừa qua: “Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, phiên chợ Gia Lạc cùng những sản vật trang trí như hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, trướng liễn làng Chuồn, những đồ chơi trẻ con dân gian và những món ăn truyền thống Huế vẫn có giá trị du lịch - văn hóa nếu chính quyền và người dân Huế biết khai thác một cách hợp lý và thực tế như những nơi khác”.

Nguyễn Phước Bảo Đàn