Trường học thân thiện là nơi thể hiện thầy ra thầy, trò ra trò. Thầy dạy giỏi, toàn tâm toàn ý cho công việc, luôn yêu thương học sinh đúng như lời ông cha ta nói: Thầy là người cha thứ hai mang tính nhân văn sâu sắc đối với sự ngiệp trồng người. Học sinh tích cực là những học trò ngoan, trọng thầy cô, tích cực học tập, tích cực hoạt động xã hội, tạo lập kỹ năng sống, có ý thức vươn lên để trau dồi kiến thức, tri ân thầy, cô giáo, không phụ lòng cha mẹ... Không phải ngẫu nhiên để chủ đề này trở thành câu chuyện đầu năm. Tất cả đều có lý do của nó, bởi trong năm Quý Tỵ vừa qua báo chí đề cập quá nhiều về một ngôi trường đã làm nhiều điều đánh mất niềm tin của phụ huynh học sinh làm cho môi trường giáo dục mất luôn tính thân thiện, học sinh không còn tích cực trong học tập, tham gia xây dựng trường lớp.

Dư âm ấy vang xa làm cho nhiều thầy, cô buồn lây và họ tỏ thái độ không đồng tình về cung cách quản lý của một ngôi trường nằm giữa lòng thành phố văn hóa. Khó có thể chấp nhận những sự việc diễn ra ở một ngôi trường như báo chí phản ảnh về tình trạng lạm thu tiền của học sinh trái quy định. Các thầy, cô nêu quan điểm của mình, cần nỗ lực tạo chuyển biến mới trong giáo dục, xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thân thiện, tích cực...Hơn lúc nào hết cần đề cao lương tâm của người thầy. Người thầy có lương tâm trước hết phải giỏi về nghiệp vụ sư phạm, luôn trăn trở để có phương pháp giảng dạy tốt, hướng học sinh tích cực trong học tập... Lương tâm người thầy là biểu hiện lòng thương yêu học trò, truyền thụ cho các em tri thức khoa học, tri thức làm người...

Hơn ai hết, đội ngũ thầy cô giáo phải thấm nhuần Nghị quyết Trung ương số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Dư luận xã hội đồng tình rất cao về sự ra đời của Nghị quyết số 29-NQ/TƯ. Mục tiêu chung của NQ là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.

Thực hiện mục tiêu nêu trên nhiều ý kiến đề cập đến yếu tố quan trọng là cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Phó giáo sư Văn Như Cương cho rằng bắt buộc phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Phải tạo điều kiện cho giáo viên được dạy học một cách chủ động, sáng tạo. Hãy để cho giáo viên và các em học sinh được dạy và học một cách tương tác với những nội dung kiến thức đậm hơi thở thực tiễn. Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo đồng tình với các ý kiến là phải kiên quyết lập lại kỷ cương, kỷ luật trong ngành giáo dục. Một phần là tôn vinh, đãi ngộ, nhưng cũng phải xử lý, loại bỏ những người không còn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Vấn đề nóng hiện nay là cần có một đội ngũ thầy, cô giáo có nghiệp vụ sư phạm và lương tâm nhà giáo. Phải dạy học trò bằng chính tấm gương sống của mình. Ngoài nêu gương, người thầy phải dạy học trò biết cách tái hiện , sáng tạo trong học tập. Tùy theo trình độ của mỗi học trò để có phương pháp giảng dạy phù hợp, tạo hiệu quả cao nhất. Đội ngũ cán bộ quản lý trong các trường học phải là một êkip có tâm để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Người quản lý có tâm, có nghề là biết tạo điều kiện, kích cầu đội ngũ thầy cô giáo sáng tạo, hợp tác trong công tác giáo dục học sinh, xây dựng nhà trường kiểu mẫu. Lúc nào trường học thật sự là môi trường thân thiện chắc hẵn học sinh sẽ tích cực trong học tập. Đầu năm mới, nhiều thầy, cô giáo đáng kính khẳng định với tôi hãy nhìn các em học sinh với tư duy tích cực: Không có em nào quá dốt, phải hướng dẫn các em đam mê học tập để trở thành học trò giỏi – Đó là trách nhiệm của thầy, cô giáo.

Chiến Hữu - Nguyên Thu