Hình ảnh những sân ga, bến xe ở Huế sau mỗi dịp tết rộn ràng cảnh tượng chia tay bao kẻ đi xa vì chuyện mưu sinh kiếm sống bao năm rồi là nỗi buồn của Thừa Thiên Huế. Nó cho thấy sự yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thừa lao động nhưng lại thiếu những việc làm. Sự phát triển các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp ở Thừa Thiên Huế, đặc biệt là ngành dệt may, là điểm rất đáng ghi nhận trong bức tranh kinh tế tổng thể của Thừa Thiên Huế gần đây. Chỉ tính riêng ngành dệt may Thừa Thiên Huế đã thu hút hàng vạn lao động và con số này đang tiếp tục tăng cao với nhiều dự án được mở ra không chỉ ở Huế hay thị xã Hương Thủy và còn lan tỏa về các địa phương vùng xa, như Phong Điền hay Phú Vang.
Lợi thế trong cạnh tranh, săn tìm lao động của các doanh nghiệp ở địa phương, nhất là ngành dệt may, khá rõ rệt trên nhiều khía cạnh. Người lao động dễ dàng chọn các doanh nghiệp ở quê hương trong bối cảnh đồng lương tương đương, các chế độ và chính sách xã hội bảo đảm, lại được sống gần gia đình, không tốn tiền tàu xe đi lại, chi phí sinh hoạt không đắt đỏ như ở thành phố Hồ Chí Minh hay các trung tâm công nghiệp ở phía nam. Các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi được sở hữu đội ngũ những người lao động lành nghề, có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt đã chán lắm rồi cảnh sống ly hương. Không ít lao động đã hồi hương sau dịp về quê ăn tết có lý do bắt nguồn từ đó.
Thực ra, đã không còn có khoảng cách quá cách biệt về thu nhập và điều kiện làm việc khi mà các doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế không chỉ trả lương cao, bảo đảm chế độ chính sách mà còn biết cách làm yên tâm người lao động bằng nhiều cách làm năng động. Ví như Công ty TNHH Scavi Huế, năm 2013 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 tòa nhà miễn phí, mỗi tòa gồm 48 phòng, mỗi phòng dành cho một gia đình hoặc 4 người ở. Năm 2014 này, tiếp tục giải quyết chỗ ở cho 200 lao động. Về lâu dài, doanh nghiệp lên kế hoạch đầu tư 147 tỷ đồng xây dựng khu nhà ở tại chỗ gồm 16 tòa nhà, có dịch vụ mua sắm gia đình, căng tin, khu vui chơi trên diện tích 2,8 ha, có khả năng thu hút 2.200 lao động.
Việc đầu tư để có được nguồn lao động dồi dào và lành nghề được xem là bí quyết thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chọn thời điểm Tết đến Xuân về để “giữ chân” và tuyển lao động là bài tính mang lại hiệu quả về nhiều mặt. Nó cho thấy khả năng nắm bắt thời cơ và sự nhanh nhạy trong sản xuất kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế hiện nay.