Chất thải nhựa nằm bên ngoài một nhà máy tái chế bất hợp pháp ở thị trấn Jenjarom, Malaysia. Ảnh: Reuters

Quốc gia này sẽ loại bỏ dần dần việc nhập khẩu tất cả các loại nhựa, bao gồm cả nhựa “sạch” trong 3 năm tới, theo Bộ trưởng Zuraida Kamaruddin.

Malaysia đã trở thành điểm đến hàng đầu cho các nhà xuất khẩu chất thải nhựa như Mỹ và Anh. Quốc gia này đã tiếp nhận gần nửa triệu tấn chất thải nhựa từ 10 quốc gia xuất khẩu chất thải nhựa hàng đầu trong giai đoạn từ tháng 1-7.

Động thái trên được đưa ra sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu chất thải nhựa từ đầu năm nay. Được biết, Trung Quốc đã nhập khẩu 7 triệu tấn phế liệu nhựa hồi năm ngoái.

Bên cạnh đó, tại một cuộc họp báo diễn ra vào ngày 26/10, bà Zuraida Kamaruddin cho hay, Malaysia sẽ ngừng cấp giấy phép mới đối với việc nhập khẩu chất thải nhựa.

“Chúng tôi sẽ hạn chế nhập khẩu chất thải nhựa từ các quốc gia đang phát triển. Vì vậy, chúng tôi sẽ hạn chế việc nhập khẩu chỉ từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, đối với nhựa có chất lượng”, Bộ trưởng Nhà ở Malaysia nói thêm.

Mỹ, quốc gia xuất khẩu chất thải nhựa hàng đầu thế giới, đã gửi 178.238 tấn chất thải nhựa sang Malaysia từ tháng 1-7, gần gấp đôi số lượng được gửi sang điểm đến thứ hai là Thái Lan, theo cơ sở dữ liệu thương mại của Liên Hiệp quốc (LHQ) và Viện Công nghiệp Tái chế Phế liệu (ISRI). Trong khi đó, Anh xuất khẩu 1/4 chất thải nhựa của quốc gia này sang Malaysia.

Đáng chú ý, theo hãng thông tấn Reuters, hàng chục nhà máy đã được mở cửa ở Malaysia để xử lý chất thải nhựa, nhiều nhà máy không có giấy phép hoạt động, sử dụng công nghệ cấp thấp và những phương pháp xử lý có hại cho môi trường.

Bộ trưởng Zuraida Kamaruddin khẳng định, chính quyền sẽ có hành động để đóng cửa những nhà máy bất hợp pháp.

Thanh Ngân (Lược dịch từ The Japan Times)