Khai thác quá mức là một trong những nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học. Ảnh: AFP
Theo báo cáo về Chỉ số Hành tinh Sống (LPI) năm 2018 do Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) phát hành tuần trước, các loài bị đe dọa trong Sách đỏ, bao gồm một số loài chim và động vật có vú đang suy giảm, cùng với họ hàng hoang dã của các loài nuôi và thuần hóa. Những xu hướng này, cùng với ong thụ phấn biến mất và giảm đa dạng sinh học trong đất, có thể đe dọa khả năng sản xuất lương thực của nhân loại trong tương lai.
LPI cũng báo cáo về đánh giá chỉ số độ bền đa dạng sinh học khu vực (BII), so sánh đa dạng sinh học hiện tại với quá khứ khi khu vực phải tiếp xúc với nhiều áp lực của con người. BII toàn cầu gần đây cho thấy sự suy giảm từ 81,6% năm 1970 xuống còn 78,6% trong năm 2014. Tuy nhiên, BII khu vực trong các quần xã rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới cho thấy sự suy giảm nhanh hơn nữa - từ 57,3% năm 2001, xuống còn 54,9% năm 2012. Đây là được coi là trực trạng đáng báo động vì các ước tính của BII độc lập, không kết hợp các tác động của biến đổi khí hậu.
Báo cáo nói rằng trong khi biến đổi khí hậu là một mối đe dọa ngày càng tăng, các nguyên nhân chính của mất đa dạng sinh học là sự khai thác quá mức các loài, nông nghiệp và chuyển đổi đất đai. Tổng giám đốc WWF - ông Marco Lambertini nói rằng sự suy giảm gây sốc này là một lời nhắc nhở và cảnh báo về các hoạt động của con người gây áp lực trên hành tinh.
Trong một nỗ lực để đảm bảo một tương lai khỏe mạnh và sức khỏe tương lai, các chuyên gia từ Bộ Môi trường và Sức khỏe của các nước thành viên ASEAN vừa triệu tập một hội thảo 3 ngày nhằm giải quyết mối liên hệ giữa sức khỏe con người và đa dạng sinh học trong khu vực. Hội thảo là một phần trong sự hội nhập của ASEAN về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học trong các lĩnh vực phát triển như y tế, nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, khoa học, công nghệ và giáo dục.
Giám đốc điều hành Trung tâm đa dạng sinh học, chuyên gia đa dạng sinh học quốc tế của ASEAN, TS. Theresa Mundita S Lim, cho biết, tại sự kiện này, các chuyên gia sẽ thảo luận về các kinh nghiệm quốc gia và thực hành tốt nhất về lồng ghép đa dạng sinh học và sức khỏe, và kết hợp các cân nhắc đa dạng sinh học trong các chương trình y tế quốc gia và khu vực.
BẢO NGHI (Lược dịch từ The ASEAN Post)