Hội đua thuyền, đấu vật hay cả đu tiên, đánh bài chòi được tổ chức trước lúc xuống đồng vào hay dịp xuân về cũng là lúc mùa vụ xong xuôi là cách tạo khí thế cũng như mừng công ở các làng quê. Người làng Sình, làng Thủ Lễ xưa nay vẫn quan niệm, rằng hội vật nổi tiếng của họ năm nào thu hút được càng nhiều người xem thì năm đó càng làm ăn phát đạt và phải xong hội vật thì mọi người mới yên tâm công việc. Và cái công việc chính của người dân nơi ngã ba sông này hay cũng là của người dân Huế không gì khác là làm nông, hằng trăm năm rồi gắn từ đời này sang đời khác, lam lũ và vất vả, cứ tưởng yên bình nhưng đầy rủi ro khi mà không biết bao lần là cảnh “trời cho chộ không cho ăn”. Đầu vụ mưa lạnh, rét buốt kéo dài là sự báo hiệu một vụ mùa khó khăn. Thời gian cây lúa sinh trưởng gắn bao điều âu lo, ngay cả con sâu, con bọ hại lúa cũng do tiết trời mà ra. Rồi lúc thu hoạch là mưa gió, bão lũ...Và suy cho cùng, đó là chuyện của “mưa thuận, gió hòa” mà nghĩ cho cạn nhẽ lại như một thứ xa xỉ ở vùng đất Huế .
Nào đu tiên, bài chòi; nào hội vật, hội đua thuyền, đua ghe; nào lễ hội cầu ngư có từ ngày xưa, nào hội đền Huyền Trân ghi lại dấu ấn đầu tiên hành trình mở cõi về Nam của cha ông được bắt đầu khai hội trong những năm gần đây. Đi hội xuân ở Huế, hòa nhập với không khí vui tươi và rộn ràng, rồi ngẫm nghĩ và chiêm nghiệm, tôi như bất chợt phát hiện về ý nghĩa sâu xa và tâm nguyện ẩn chứa đằng sâu nghi lễ tôn nghiêm và không khí hội xuân rộn rã kia ở xứ Huế là khát vọng cầu mong về một năm mới mưa thuận, gió hòa.
Ví như lễ hội cầu ngư làng Thai Dương Hạ tổ chức theo lịch trình “tam niên đáo lệ” (tức 3 năm 1 lần). Sau các phần nghi lễ, bao khách thập phương bởi các hội vui với những màn biểu diễn tái hiện hoạt động đánh bắt trên biển của ngư dân, như: cầu ngư, làm trò trên bờ dưới nước, đua trải, xuất quân đánh bắt cá vụ Nam... Cùng với ý nghĩa tưởng nhớ đến người khai canh của làng là ngài Trương Quý Công, đó là sự cầu mong mưa thuận, gió hòa gắn với một năm đánh bắt bội thu. Cứ thử tưởng tượng về 500 năm trước khi những cư dân Việt có mặt nơi ngôi làng Thai Dương Hạ nhỏ bé của xứ Huế này. Phía trước và họ là biển cả và đầm phá mênh mông, đó là kho báu và cuộc sống của bao người nhưng cũng là nơi ẩn chứa trong lòng nó biết bao tai họa khủng khiếp gắn với hình ảnh về những trận cuồng phong của biển. Qua bao năm tháng và các thế hệ nối nhau kế tiếp, con người đã biết đúc rút những kinh nghiệm phòng tránh cho riêng mình, nhưng sao có thể “đọc” hết được chữ ngờ, vậy nên còn lại mãi mãi là niềm thành khẩn về điềm dữ bay đi và điều lành mang tới, cầu mong cho mưa thuận gió hòa. Và dân Huế đã làm điều đó bằng lễ hội.