Một buổi vận động tranh cử của đảng Cộng hòa Mỹ. Ảnh: NYT |
Mặc dù ngày bầu cử chính thức là 6/11 nhưng đã có ít nhất 31 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm hoặc bỏ phiếu qua hình thức gửi thư. Con số này cao hơn nhiều so với số cử tri bỏ phiếu sớm năm 2014 là 22 triệu người.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu năm nay có thể lên tới 45%, cao nhất trong vòng 50 năm qua.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết sẽ triển khai nhân viên tới 35 điểm bỏ phiếu ở 19 bang trên cả nước để giám sát việc tuân thủ các điều luật bầu cử liên bang.
Diễn ra 2 năm 1 lần, cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ luôn có ý nghĩa quan trọng đối với bất kỳ Tổng thống hoặc chính quyền đương nhiêm nào. Trong lịch sử nước Mỹ, các Tổng thống thường mất nhiều ghế trong Quốc hội sau mỗi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ do kết quả của nó có thể có tác động lớn tới các chính sách của chính quyền đương nhiệm.
Nhận xét về tầm quan trọng của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay, chuyên gia bầu cử David Pal Brunell cho rằng, “hiện nay chính phủ đang rơi vào thế bế tắc do phe Dân chủ và Cộng hòa bất đồng trong tất cả các vấn đề, chính vì vậy mà người cảm thấy chính phủ đang không đại diện cho họ để phục vụ mục đích cao cả hơn cũng như các nhu cầu của đất nước”.
Theo ông, “mục đích của cuộc bầu cử này là khiến chính phủ hoạt động trở lại với các thành viên của cả hai đang cùng phối hợp với nhau. Cuộc bầu cử năm nay sẽ tạo ra một chương trình nghị sự lớn hơn với sự tham gia của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa nhằm đưa ra các chính sách đúng đắn, các mối quan hệ của Mỹ trên thế giới, cũng như cách tiếp cận phù hợp đối với các vấn đề kinh tế và xã hội của đất nước”.
Nếu đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ thì phần lớn chương trình nghị sự cũng như các chính sách của Tổng thống Trump đứng trước nguy cơ bị đóng băng hoặc phải điều chỉnh rất nhiều để có thể thành hiện thực. Không chỉ vậy, khả năng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020 tới của ông Trump cũng bị thu hẹp đáng kể.
Trong trường hợp đảng Dân chủ chỉ giành được quyền kiểm soát Hạ viện, việc triển khai các chính sách đặc biệt là chính sách đối nội của Tổng thống Trump sẽ không dễ dàng gì. Việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề người nhập cư, thúc đẩy chính sách y tế mới, kiểm soát súng đạn, phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác vốn đã bế tắc sẽ càng bế tắc hơn.
“Tôi cho rằng đảng Dân chủ sẽ giành được quyền kiểm soát Hạ viện trong khi đảng Cộng hòa tiếp tục duy trì đa số ở Thượng viện” Giáo sư Gary Nordlinger thuộc Trường Quản lý Chính trị, Đại học George Washington dự đoán về kết quả của cuộc bầu cử.
Theo ông, nếu điều này xảy ra, nhiều cuộc điều tra sẽ được tiến hành do phe Dân chủ yêu cầu. Hai đảng sẽ có những nhượng bộ nhất định đặc biệt là trong việc thông qua ngân sách cho chính phủ liên bang.
Trong cuộc bầu cử sắp tới, cử tri Mỹ còn bầu ra 36 thống đốc bang và nhiều chức danh cấp địa phương khác.
Theo ông Nordlinger, điều này rất quan trọng vì theo Hiến pháp, Mỹ cần tiến hành thống kê dân số sau mỗi 10 năm. Do đó tới năm 2020 một cuộc thống kê dân số sẽ được thực hiện. Dựa trên kết quả này, bản đồ các khu vực lập pháp cấp bang và các đơn vị bầu cử thành viên Quốc hội sẽ được vẽ lại để duy trì cân bằng về dân số ở các bang.
Trong cuộc bầu cử này, nếu đảng nào giành được nhiều ghế thống đốc hoặc đa số trong các cơ quan lập pháp cấp bang, đảng đó sẽ có nhiều tiếng nói trong việc vẽ lại bản đồ này trong năm 2021. Khi bản đồ này được vẽ lại, điều này sẽ quyết định đảng nào sẽ giành kiểm soát Hạ viện trong vòng 10 năm tiếp theo.
Mặc dù các cuộc khảo sát đều cho thấy ưu thế nghiêng về đảng Dân chủ tuy nhiên càng tới sát ngày bầu cử thì khoảng cách giữa hai đảng dần thu hẹp lại.
Các cuộc bầu cử tại Mỹ đều khó đoán định và có thể có những bất ngờ giống cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Do đó, chỉ khi kết quả cuối cùng được công bố vào cuối ngày 6/11 thì mới biết đảng nào giành thắng lợi trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay.
Theo VOV