Phân tích của Trung tâm Phòng tránh và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho thấy, tác động của các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc đã tăng lên kể từ năm 2007. Ảnh: Facebook/ECDC

Theo một phân tích của Trung tâm Phòng tránh và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), tác động của nhiễm trùng kháng thuốc kháng sinh đã gia tăng kể từ năm 2007, với sự gia tăng trong số những trường hợp nhiễm vi khuẩn có khả năng kháng lại ngay cả những loại kháng sinh mạnh nhất, bao gồm cả nhóm kháng sinh carbapenems.

"Điều này là đáng lo ngại, vì các loại kháng sinh này là lựa chọn điều trị cuối cùng có sẵn. Khi những loại thuốc này không còn hiệu quả nữa, thì cực kỳ khó, hoặc thậm chí trong nhiều trường hợp là không thể điều trị", ECDC khẳng định trong một tuyên bố.

Các chuyên gia ước tính, khoảng 70% vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng đang kháng lại ít nhất 1 loại thuốc kháng sinh, thường được sử dụng để điều trị chúng.

Điều này làm cho sự tiến hóa của "siêu vi khuẩn" có thể chống lại một hoặc nhiều loại thuốc, là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với ngành y học hiện nay.

Nghiên cứu của ECDC, được công bố trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet, tập trung vào 5 loại nhiễm trùng do vi khuẩn kháng kháng sinh ở Liên minh châu Âu và Khu vực Kinh tế châu Âu (EU/EEA) gây ra.

Nghiên cứu phát hiện rằng, khoảng 75% gánh nặng bệnh tật siêu vi khuẩn là do nhiễm trùng trong các bệnh viện và phòng khám sức khỏe, được gọi là nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc sức khỏe (HAIs).

"Các chiến lược nhằm ngăn chặn và kiểm soát vi khuẩn kháng kháng sinh đòi hỏi sự phối hợp ở mức độ EU/EEA và toàn cầu", nghiên cứu nhận định.

ECDC cũng lưu ý, do sự khác biệt về số lượng các trường hợp và các loại vi khuẩn kháng kháng sinh gây nhiễm trùng ở những quốc gia khác nhau, các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát cần phải được điều chỉnh theo tình huống quốc gia.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Straitstimes & Reuters)